Thành Phong ·
1 năm trước
 6901

An toàn lao động và bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách hiện nay

Nhiều vấn đề liên quan đến an toàn lao động và bảo vệ môi trường đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo: "An toàn lao động và bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023".

Sáng 28/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia (TP.Hà Nội), Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo: "An toàn lao động và bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023".

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương); PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phụ trách Khối Khoa học kinh tế, Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; TS. Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Trưởng Khối Khoa học kinh tế, Môi trường và Biến đổi khí hậu; cùng nhiều đại biểu, chuyên gia khách mời đến từ Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại khu vực phía Bắc.

Ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, để triển khai các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật, với quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tăng cường hiệu quả thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương như:

Hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương, quản lý hồ chứa quặng đuôi, phát triển ngành công nghiệp môi trường, quản lý tro xỉ nhiệt điện, các chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch.

"Hội thảo "An toàn lao động và bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp, người lao động, các nhà quản lý trong công tác đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và môi trường làm việc; thúc đẩy việc sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và phục hồi môi trường", ông Tô Xuân Bảo cho biết thêm.

Chuyên gia Hoàng Văn Vy, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình bày tham luận tại Hội thảo.

Chia sẻ về mối tương quan giữa công tác bảo vệ môi trường và công tác an toàn lao động, chuyên gia Hoàng Văn Vy, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lưu ý, nếu môi trường làm việc không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, từ đó dẫn đến nguy cơ mất an toàn lao động cao. Các doanh nghiệp nên sử dụng các giải pháp phòng ngừa là chính tiếp theo mới đến ứng phó và xử lý sự cố.

Theo ông Vy, người lao động tại các doanh nghiệp chịu sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ chất lượng môi trường của doanh nghiệp do nguồn thải của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại; có cảnh báo nguy cơ chất thải tác động xấu đến sức khỏe người lao động; tăng cường kiểm soát việc tuân thủ nghiêm túc các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố cũng như phải nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động, các quy định về đảm bảo an toàn lao động tại các khu vực sản xuất.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phụ trách Khối Khoa học kinh tế, Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo "An toàn lao động và bảo vệ môi trường ngành Công Thương năm 2023", PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phụ trách Khối Khoa học kinh tế, Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhấn mạnh:

"Hội thảo đã đặt ra hai vấn đề rất quan trọng để thảo luận, đó là an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Cổ nhân có câu: "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa", để chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn lao động. Đảm bảo an toàn lao động chính là đảm bảo an toàn cho tính mạng con người. Do đó, công tác đảm bảo an toàn lao động trong các hoạt động kinh tế cần đặt lên hàng đầu.

Về vấn đề bảo vệ môi trường, hiện nay là vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Cam kết của Việt Nam tại COP26 là minh chứng rõ nhất về quyết tâm của Chính phủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Bảo vệ môi trường là việc làm cấp thiết để bảo vệ "mẹ Trái Đất" - Hành tinh duy nhất tồn tại sự sống (tính đến thời điểm hiện tại)".

TS. Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam, Trưởng Khối Khoa học kinh tế, Môi trường và Biến đổi khí hậu cảm ơn các đại biểu, chuyên gia khách mời đã tới tham dự Hội thảo.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tham luận từ các đơn vị quản lý, tham mưu chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các chuyên gia, doanh nghiệp. Nhiều vấn đề "nóng" đã được đưa ra thảo luận sôi nổi như: Giảm thiểu, loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần; thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng và áp dụng các chính sách kinh tế môi trường.

Các đại biểu, chuyên gia, khách mời chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Những bài tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, khách mời tại Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp lại và gửi tới các cơ quan hữu quan.