Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, thiên tai tiếp tục có xu thế ngày càng bất thường. Lưu vực sông Đà có khả năng xuất hiện lũ lớn vào cuối mùa lũ, nguy cơ rủi ro cao khi các hồ không còn khả năng cắt lũ.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đang phải thực hiện giãn cách xã hội và ưu tiên tối đa cho phòng chống dịch.
Thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2021 đến nay, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 88 trận động đất nhẹ; 274 trận mưa đá, dông lốc, sét; 5 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc trong đó đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ ngày 7-13/1; 56 trận mưa lớn, lũ ống, lũ quét; 153 vụ sạt lở bờ sông, 7 đợt nắng nóng...
Sạt lở bờ biển do ảnh hưởng của cơn bão lớn tại xã Gio Hải (tỉnh Quảng Trị).(Ảnh: Trung Kiên)
Tính đến ngày 26/8, các loại hình thiên tai nêu trên đã làm 39 người chết, 64 người bị thương; 221 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 7.570 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 6.008 gia súc, gia cầm bị chết, 69.878 ha lúa, rau màu và 6.580 ha cây trồng bị thiệt hại. Ngoài ra, thiên tai còn làm 7,2 km đê, kè, kênh mương và 10,6 km đường giao thông bị sạt lở…
Ước tính tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra khoảng 262 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cũng nhận định, từ nay đến hết năm 2021 còn khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, có khoảng 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam và không ngoại trừ có những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp trên khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Mưa lớn cục bộ nhiều khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các đô thị, các thành phố lớn và các khu vực trũng, thấp.
Để giảm tổn thất do thiên tai gây ra, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1100 ngày 23/8/2021.
Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, không bị bất ngờ...
Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai... Các Bộ NN&PTNT, KH&ĐT, Tài chính và các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, khắc phục kịp thời sự cố đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai.
Các tỉnh, thành phố có đê tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý kịp thời những sự cố đê điều, triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, bảo đảm an toàn cho dân cư vùng bãi sông trong trường hợp xảy ra lũ lớn theo phương châm "4 tại chỗ" và bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn; kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều, tổ chức giải tỏa bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng xây dựng trái phép ở lòng, bãi sông gây cản trở thoát lũ...
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định, thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao đã tác động rất lớn, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh xu thế về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường. Thậm chí có thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân. Vì vậy, việc đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cần được quan tâm toàn diện hơn. Phải quyết tâm thật cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021. Đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. “Tuyệt đối không được chủ quan”. |