Bích Ngọc ·
1 năm trước
 4320

Áp lực lãi vay lớn, một doanh nghiệp chi 460 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn, đó là doanh nghiệp nào?

Mới đây, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua phương án mua lại một phần trái phiếu SBTB2124001 trị giá 460 tỷ đồng.

Tổng số trái phiếu mà SBT dự kiến mua lại là 4,5 triệu, với tỷ lệ thực hiện 4,5/7 (người sở hữu 7 trái phiếu sẽ được quyền bán lại 4,5 trái phiếu). Được biết, giá mua lại gần 102.011 đồng/trái phiếu (tương đương tổng trị giá mua lại trên 459 tỷ đồng). Ngày 22/5/2023 là ngày chốt danh sách người sở hữu trái phiếu có quyền bán lại.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu bằng văn bản hoặc hình thức khác để thông qua về một số cơ chế liên quan đến tài sản đảm bảo của lô trái phiếu SBTB2124001 cũng được SBT thông qua. Dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 5-6/2023. Ngày cuối cùng đăng ký là 22/5.

Ngày 26/1/2021 lô trái phiếu SBTB2124001 được phát hành, có kỳ hạn 3 năm. Tổng số lượng đang lưu hành là 7 triệu trái phiếu, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu (tương đương tổng giá trị 700 tỷ đồng). Là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản.

Theo báo cáo tài chính quý 3 niên độ tài chính 2022-2023 (1/6/2022-1/6/2023), ở thời điểm 31/3/2023, SBT có tổng nợ phải trả là 19.309 tỷ đồng, so với thời điểm 30/6/2022 tăng 7%. Nợ vay ngắn hạn tăng hơn 2.700 tỷ đồng (lên mức 11.423 tỷ đồng). Nợ vay dài hạn giảm nhẹ (xuống mức 2.345 tỷ đồng), tổng nợ vay chiếm 46% cơ cấu nguồn vốn.

Trong cơ cấu nợ, chiếm gần 2.400 tỷ đồng là trái phiếu, với 5 lô trái phiếu đang lưu hành. Lô lớn nhất trị giá 1.200 tỷ đồng được phát hành ngày 13/4/2021, ngày đáo hạn là ngày 13/4/2024. Vào tháng 6 tới,  SBT sẽ có một lô đáo hạn, trị giá hơn 127 tỷ đồng; số còn lại sẽ đáo hạn vào các năm 2024, 2025.

Với tổng nợ vay ở mức cao, trong quý vừa qua TTC AgriS đã phải trả gần 360 tỷ đồng tiền lãi vay, so với cùng kỳ niên độ trước tăng 97%. Lũy kế 9 tháng niên độ 2022-2023, số tiền lãi vay mà công ty này phải trả xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân kéo lợi nhuận của SBT đi xuống là chi phí tài chính cao mặc dù doanh thu tăng trưởng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp mang về 5.710 tỷ đồng doanh thu, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 62%. Trong đó, ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh nhất là mảng đường (75% so với cùng kỳ), lên 5.180 tỷ đồng, nhờ trong thời gian qua giá đường liên tục tăng mạnh.

Tuy nhiên, trong quý 3 SBT có lợi nhuận sau thuế SBT lại giảm 26% (xuống 153 tỷ đồng).

Lũy kế 9 tháng của niên độ tài chính 2022-2023, doanh thu của TTC AgriS tăng 40% so với cùng kỳ (lên gần 18.000 tỷ đồng), hoàn thành 100% kế hoạch. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế giảm 18% (xuống 533 tỷ đồng).

Trong tháng 4/2023, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới gần như đóng băng, trong khi doanh nghiệp chạy đua mua lại trái phiếu trước hạn và thỏa thuận với trái chủ để kéo dài kỳ hạn trả nợ.

Dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, chỉ có 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (một riêng lẻ và một đại chúng) trong tháng 4/2023 với tổng giá trị phát hành 2.671 tỷ đồng (chỉ bằng 10% khối lượng phát hành tháng 3/2023).

FinnRatings cảnh báo về tình trạng nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gia tăng. Tính đến 4/5/2023, thị trường ghi nhận 98 tổ chức phát hành chậm thực hiện nghĩa vụ nợ trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị 128.5000 tỷ đồng, so với giữa tháng 4/2023 tăng 13,6%. Doanh nghiệp phi tài chính có tỷ lệ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp lên tới 16,29%.

Tạ Ngọc