Bích Ngọc ·
1 năm trước
 5591

Áp lực trả lãi, Điện Gia Lai (GEG) phải mua lại trước hạn 30 tỷ trái phiếu

Trong quý 1, trước áp lực lãi vay gia tăng tới 40 tỷ đồng, Điện Gia Lai (GEG) đã phải mua lại một phần lô trái phiếu 300 tỷ đồng.

Chi 30 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Theo thông báo của CTCP Điện Gia Lai (Mã GEG), mới đây đơn vị này đã mua lại 30 tỷ đồng trái phiếu trước hạn thuộc lô trái phiếu mã GEC_BOND_2018_1. Việc mua lại được này đã diễn ra vào ngày 28/6/2023.

Lô trái phiếu mã GEC_BOND_2018_1 được phát hành vào ngày 29/6/2018 có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu với tổng khối lượng phát hành lên đến 300 tỷ đồng và có thời gian đáo hạn là 10 năm.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã từng tổ chức mua lại trái phiếu thuộc lô GEC_BOND_2018_1. Được biết, sau khi GEG tiến hành việc mua lại khối lượng trái phiếu còn lại trên thị trường là 195 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Việc Điện Gia Lai mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang gặp một số khó khăn kinh doanh. Kết quả kinh doanh quý 1 sụt giảm mạnh (gần 40%) trong khi các chi phí lãi vay trong kỳ gia tăng đáng kể cũng gây sức ép lên bức tranh tài chính của công ty.

Lợi nhuận sụt giảm 40%, chi phí lãi vay trong kỳ gia tăng 44 tỷ đồng

Nhìn vào dữ liệu từ Báo cáo tài chính quý 1 năm 2023 của Điện Gia Lai, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 548,5 tỷ đồng (giảm khoảng 3,8% so với cùng kỳ). Tuy vậy, giá vốn hàng bán lại gia tăng từ 222,5 tỷ đồng lên 234,4 tỷ đồng (phần gia tăng chủ yếu đến từ giá vốn bán điện).

Chi phí giá vốn gia tăng đã làm lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chỉ còn ở mức 312,9 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng theo đó mà giảm từ 61% (xuống chỉ còn 57%).

Lợi nhuận gộp không sụt giảm quá nhiều, doanh thu tài chính gia tăng vốn dĩ đã có thể bù đắp phần sụt giảm này. Thế nhưng, gánh nặng về lãi vay tăng vọt đã gây áp lực lớn cho tình hình kinh doanh của GEG.

Chi phí lãi vay mà GEG phải trả trong quý 1 đã tăng thêm tới 44 tỷ đồng so với cùng kỳ vì vậy cũng không quá khó hiểu khi mà Điện Gia Lai đã phải mạnh tay tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn với mục đích giảm gánh nặng lãi vay cho dòng tiền trong thời gian sắp tới.

Ngoài chi phí lãi vay thì chi phí bán hàng gia tăng không quá đáng kể (lên mức 404 triệu đồng). Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 29,6 tỷ đồng lên tới 33,1 tỷ đồng (tương ứng với tỷ lệ gia tăng 11,8%).

Kết thúc quý 1, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 103,7 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ đạt đến 173,7 tỷ đồng. Điều này tương ứng với việc so với cùng kỳ năm 2022 lợi nhuận sau thuế trong quý 1 của Điện Gia Lai đã giảm tới 40,3%.

Nợ vay cao gấp 1,6 lần so với vốn chủ sở hữu

Kết thúc quý 1 năm 2023, Điện Gia Lai ghi nhận tổng tài sản ở mức 16.498 tỷ đồng (giảm tới 620,2 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Theo đó, phần lớn giá trị tài sản được ghi nhận dưới dạng tài sản dài hạn còn tài sản ngắn hạn chỉ chiếm 1.526 tỷ đồng, giảm đến gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Trong cơ cấu tài sản linh động của GEG, lượng tiền mặt nắm giữ đã giảm đến hơn một nửa (từ 201,8 tỷ đồng xuống chỉ còn 99,4 tỷ đồng).Cùng với đó, lượng tiền mặt gửi ngân hàng đã gia tăng (từ 132 tỷ lên 222,3 tỷ đồng).

Ghi nhận phải thu của khách hàng cũng gia tăng (từ 359,2 tỷ đồng lên 410,8 tỷ đồng). Điều này cho thấy công ty đang có hơn 410 tỷ đồng doanh thu chỉ nằm trên giấy tờ chứ vẫn chưa thực sự nhận được tiền từ khách hàng và đối tác. 

Trong cơ cấu tài sản của Điện Gia Lai phần lớn là tài sản dài hạn, nằm dưới dạng tài sản cố định (chiếm 9.806 tỷ đồng). Nợ vay dài hạn cao gấp 1,6 lần so với vốn chủ sở hữu (chiếm 9237 tỷ đồng) cho thấy rủi ro trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp này.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6617078718351828/?