Song Vũ ·
1 năm trước
 3510

Australia tài trợ 50 triệu USD phát triển giao thông xanh ở Việt Nam

Australia sẽ hỗ trợ sản xuất xe buýt điện công cộng và giúp thiết lập mạng lưới sạc EV quốc gia đầu tiên của Việt Nam, với nguồn vốn 50 triệu USD (80 triệu đô la Úc).

Ngày 18/11, ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết Chính phủ Australia đang tài trợ 50 triệu USD (80 triệu đô la Úc) để hỗ trợ VinFast thúc đẩy phát triển và sử dụng xe điện (EV) tại Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Thông qua nguồn tài chính chuyên môn từ Tổ chức Tài chính Xuất khẩu Australia (EFA) và Đối tác Tài chính Khí hậu Australia (ACFPC), Australia sẽ hỗ trợ sản xuất xe buýt điện công cộng và giúp thiết lập mạng lưới sạc EV quốc gia đầu tiên của Việt Nam.

Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Goledzinowski: “Khoản đầu tư này cho thấy các cơ quan Chính phủ Australia đang hợp tác hiệu quả cùng với các cơ quan trong hệ thống của Việt Nam nhằm mang lại lợi ích chiến lược cho cả Việt Nam và Australia. Chính phủ Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong mọi nhu cầu về năng lượng để Việt Nam thành công trong quá trình chuyển dịch hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Australia sẽ hỗ trợ sản xuất xe buýt điện công cộng và giúp thiết lập mạng lưới sạc EV quốc gia đầu tiên của Việt Nam

Đồng thời, Chính phủ Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong mọi nhu cầu về năng lượng để Việt Nam thành công trong quá trình chuyển dịch hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Khoản đầu tư 80 triệu đô la Úc này đánh dấu thương vụ thứ hai của EFA vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trước đó, FFA cũng đáp ứng nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong khu vực tại Việt Nam, thông qua việc cung cấp 32 triệu USD (41 triệu đô la Úc) cho ba trang trại điện gió ở Việt Nam.

Những thương vụ này thể hiện rằng Australia cam kết giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu thông qua việc hợp tác của các đối tác quan trọng trong khu vực, như Việt Nam.

Australia tự nhận thấy những thách thức trong quá trình chuyển đổi đến một tương lai phát thải ròng bằng 0. Australia có năng lực đáng kể để hỗ trợ các đối tác như Việt Nam, bao gồm hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ và nguồn tài chính.

“Khi chúng tôi bắt đầu quá trình chuyển đổi xe điện trong nước, chúng tôi cũng cam kết hợp tác với các đối tác ở Việt Nam để giúp họ thực hiện quá trình chuyển dịch này. Chính phủ Australia sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững trong khu vực”, ông Goledzinowski chia sẻ.

Cùng với đó, Australia cũng đang tham gia đầu tư cùng với Ngân hàng Phát triển Châu Á và các tổ chức tài chính khác. Một phần hỗ trợ của Australia đang được cung cấp thông qua ACFP, là tổ chức cung cấp tài chính ưu đãi để góp phần tạo tiền đề cho các khoản đầu tư lớn từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực khí hậu.

Thực tế, hoạt động giao thông chiếm 18% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm tại Việt Nam. Quá trình giảm thải carbon, thông qua các giải pháp như di chuyển bằng các phương tiện chạy điện, sẽ tác động trực tiếp đến kỳ vọng đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Việt Nam không nằm ngoài xu thế của thế giới khi điện hóa ngành ô tô đang diễn ra mạnh mẽ, trong bối cảnh năng lượng từ nguồn hóa thạch đang suy giảm và ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng ngày càng nâng cao.

Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình Đào tạo kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam đã và đang đối mặt với ô nhiễm không khí, với nồng độ PM2.5 trung bình năm của Việt Nam khoảng 24,7 ug/m3, cao gấp 5 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). 

Trong bối cảnh đó, giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng tăng nhanh khiến lượng phát thải ngày càng cao. Do đó, điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để giảm phát thải cho ngành giao thông vận tải, và điện hóa phương tiện giao thông đường bộ có thể giúp giảm đến 1/3 lượng khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Cụ thể, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Quyết định số 876/QĐ-TTg nêu rõ quan điểm chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đồng thời cũng là cơ hội để ngành Giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

Gần đây nhất, ngày 24/10, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết đã huy động một gói tài trợ trị giá 135 triệu USD cho VinFast để sản xuất đội xe buýt vận tải công cộng chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của Việt Nam và mạng lưới sạc xe điện toàn quốc đầu tiên. Gói tài trợ kỳ hạn 7 năm bao gồm 20 triệu USD vốn vay do ADB tài trợ, các khoản vay song song trị giá 87 triệu USD được ADB xúc tác trên cương vị người chủ trì thu xếp vốn được ủy quyền, và khoản tài trợ ưu đãi trị giá 28 triệu USD.