Đề nghị tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045
Vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đón ông Axel Van Trotsenburg, Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB).
Tại buổi làm việc, đánh giá cao WB đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành Báo cáo Việt Nam 2035 (công bố năm 2016), Chủ tịch nước cho biết, đây là Báo cáo có chất lượng và tầm nhìn dài hạn với Việt Nam.
Trên cơ sở báo cáo này, Việt Nam mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, tác động của COVID-19 cũng như các mục tiêu phát triển của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhằm xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Axel Van Trotsenburg.
Được biết, báo cáo biến đổi khí hậu về Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã hoàn thành và báo cáo có đưa ra các phương án để Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng trong ứng phó thách thức biến đổi khí hậu, cũng như tìm ra biện pháp ngắn hạn, dài hạn giải quyết vấn đề này. WB sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để thực hiện các sáng kiến và giải pháp trong báo cáo này, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhắc đến 3 khâu đột phá quan trọng của Việt Nam trong phát triển là hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, Chủ tịch nước mong muốn WB hỗ trợ cả ba khâu này, đặc biệt là hạ tầng, nhất là những hạ tầng quan trọng có khả năng giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cất cánh trong thời gian tới.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước đề nghị WB hỗ trợ Việt Nam ứng phó thách thức đang đe dọa sinh kế của nhiều triệu người dân Việt Nam. Chủ tịch nước cũng bày tỏ đánh giá cao Giám đốc WB tại Việt Nam đã đi thăm, làm việc nhiều địa phương để tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đối với người dân Việt Nam.
Chủ tịch nước cũng mong muốn WB quan tâm hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để phát triển nền kinh tế phi carbon, bởi đây cũng là một thế mạnh riêng có của Việt Nam.
Đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với WB trong triển khai các chương trình hợp tác thời gian tới; trong đó sẽ tiếp tục phối hợp với WB thúc đẩy giải ngân vốn ODA; đồng thời đề nghị WB tạo cơ chế thông thoáng hơn thúc đẩy quá trình này.
Theo Tổng Giám đốc WB, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới của biến đổi khí hậu. Sau sự kiện Hội nghị COP26, WB đã chủ trương hợp tác với các quốc gia trong giải quyết thách thức; trong đó định hướng gắn kết vấn đề này với các mục tiêu phát triển. WB đang thực hiện các báo cáo tác động của biến đổi khí hậu ở 25 quốc gia; trong đó có Việt Nam.
Hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là giải pháp cấp thiết
Cũng trong ngày, tiếp Tổng Giám đốc Điều hành WB Axel van Trotsenburg, trao đổi về khung khổ hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở cần tập trung vào việc thực hiện 3 đột phá chiến lược của Việt Nam.
Mong muốn WB quan tâm hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để phát triển nền kinh tế phi carbon.
Trong đó, về chiến lược hoàn thiện thể chế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện đã tương đối đầy đủ nhưng giai đoạn tới cần nâng chất lượng và trình độ, phải thích ứng được với những thay đổi của thế giới và khu vực, phải đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Do đó, WB với nguồn lực và trách nhiệm của mình, có tiếng nói, giải pháp và cách thức hỗ trợ các nước để đạt được mục tiêu toàn cầu nhưng không tạo ra hố sâu ngăn cách lớn hơn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ đến năm 2050 đưa mức phát thải ròng về bằng 0. Đây là mức cam kết ngang bằng với các nước châu Âu, thể hiện quyết tâm rất cao và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Nhấn mạnh để thực hiện mục tiêu này, ngoài nỗ lực của Việt Nam, cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có WB; Chủ tịch Quốc hội cho rằng: việc xác định lộ trình, bước đi và phương thức thực hiện như thế nào là rất quan trọng để bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích và chi phí.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong thời gian tới, WB quan tâm và ưu tiên hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện “hạ tầng mềm”, trong đó có hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho việc hoàn thiện thể chế, chính sách và các hệ sinh thái phát triển.
Về “hạ tầng cứng”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị WB tập trung tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các hạ tầng trọng điểm quốc gia có tính chất liên vùng, tạo động lực lan tỏa vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh WB đã và đang có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ khu vực này trong thích ứng với biến đổi khí hậu; đề nghị cần có các hỗ trợ cả về giải pháp công trình và phi công trình.
Việt Nam đã cam kết, đóng góp gần 16 triệu USD trong 3 năm (2021-2023) vào đợt tăng vốn lớn nhất của WB trong lịch sử (huy động 13 tỷ USD) để bổ sung vào nguồn vốn hoạt động WB. Từ đó, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, nỗ lực, cố gắng lớn của Việt Nam trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc WB đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, đề nghị WB hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ xây dựng Báo cáo Việt Nam 2045, bảo đảm tầm chiến lược phù hợp với mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đến năm 2045, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách nhằm xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. |
Theo: Kinh tế Môi trường