Tái diễn ô nhiễm môi trường – không thể như “nước đổ lá khoai”
Mới đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước xôn xao hiện tượng nước hồ cống số 6 xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đổi màu tím, không khí trong vùng có nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng khi bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Bùi Thị An, từng là thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần phải lập tức vào cuộc để điều tra, thực hiện đánh giá tất cả những doanh nghiệp đang hoạt động tại khu vực trên. Sự việc cần được đánh giá toàn diện, kết quả quan trắc về môi trường cần phải khách quan, minh bạch.
Hồ nước cống số 6 xã Tân Hải đổi màu tím khiến cho nhiều người dân lo sợ vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo bà An, khi việc thực hiện đánh giá tác động có kết quả thì phải xử lý dứt điểm, không thể để tái diễn tình trạng ô nhiễm trong nhiều năm và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Công ty nào vi phạm, gây ô nhiễm thì phải xử lý. Tùy vào mức độ, có thể phạt hành chính, đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép và thậm chí công khai những công ty vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết.
“Để xảy ra sự cố về môi trường thì cơ quan quản lý đầu tiền phải chịu trách nhiệm là Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ quan quản lý cấp huyện, xã là cơ quan phân cấp trực tiếp, cần phải nắm bắt kịp thời tình hình trên địa bàn”, PGS.TS Bùi Thị An trao đổi thẳng thắn.
Bà An cho biết, tình trạng nước đổi màu tại hồ nước cống số 6 xã Tân Hải đã xảy ra nhiều năm trước. Cụ thể, tháng 3/2017, nước tại đầm chứa cống số 6, cũng đổi sang màu hồng tím. Khi đó, cơ quan chức năng kết luận do nước trong hồ bị ô nhiễm, gặp nắng nóng kéo dài, tảo nở hoa khiến nước biến đổi màu.
Năm 2015, hơn 10 doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông Chà Và khiến cá nuôi bè chết hàng loạt. Họ thua kiện phải đền bù cho người dân 13 tỉ đồng. Sau đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chi hàng chục tỉ đồng để cải tạo hồ nước và di dời một số nhà máy. Vậy, khi đã thực hiện đánh giá toàn bộ và kết quả đánh giá là có ảnh hưởng tác động đến môi trường, cuộc sống của người dân thì phải xử lý triệt để, nếu xử lý không dứt điểm thì đó là lỗi ở cơ quan chức năng.
PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh: “Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế. Thực hiện bất kì điều gì phải đảm bảo cuộc sống cho người dân. Nếu thực sự là vấn đề cấp bách của người dân thì cơ quan có trách nhiệm phải đi đến cùng, phải làm quyết liệt, chứ không thể để tình trạng "nước đổ lá khoai".
Mục tiêu xuyên suốt của Việt Nam là phát triển bền vững với 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Kinh tế phát triển nhưng người dân phải được sống trong môi trường trong lành, đảm bảo. Không để vì chuyện phát triển kinh tế mà lại gây ô nhiễm, người dân gặp bệnh tật. Mọi chuyện phải tính toán sao cho có lợi nhuận về mặt kinh tế, dân vẫn có thể giàu được nhưng không để môi trường bị ảnh hưởng, bị ô nhiễm.
Người dân cần thông tin chính thống từ cơ quan chức năng
Được biết, hiện tượng nước đổi màu tím tại hồ nước cống số 6 xã Tân Hải đổi màu tím được Viện Môi trường và Tài nguyên khảo sát, kết luận là do một loại tảo phát triển dẫn tới hiện tưởng nở hoa. Sự việc này không làm ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của người dân xung quanh.
Người dân nuôi cá trên sông Chà Và gần hồ nước cống số 6 xã Tân Hải hàng ngày như "ngồi trên đống lửa" vì nước trong hồ đổi màu tím.
Tuy nhiên, chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, nhiều người dân xã Tân Hải vẫn không yên tâm với kết luận của Viện Môi trường và Tài nguyên đưa ra. Không những thế, người dân xã Tân Hải còn rất bức xúc trước tình trạng không khí bốc mùi hôi thối suốt ngày này qua ngày khác từ những cơ sở chế biến hải sản phát ra, tỉ lệ người dân mắc các bệnh về đường hô hấp, thần kinh tăng cao trong vài năm trở lại đây có liên quan đến chất lượng ô nhiễm trong vùng.
Để làm rõ vấn đề người dân phản ánh, ngày 27/4/2021, chúng tôi đã gửi nội dung trao đổi thông tin tới Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND thị xã Phú Mỹ.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu Phóng viên liên hệ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Vụ việc tại đầm số 6, có một số báo đăng lên nhiều thông tin chúng tôi không có, gây ảnh hưởng, tỉnh đã yêu cầu phải kiểm soát lại. Hàng tháng Ban Tuyên giáo đều tổ chức họp báo, cung cấp nội dung có liên quan gì cứ liên hệ với Ban Tuyên giáo”, ông Đặng Sơn Hải nói.
Ngày 28/4, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hải phản hồi: “Đến nay vẫn chưa nhận được nội dung mà Phóng viên đề nghị cung cấp thông tin, tôi sẽ cho kiểm tra lại. Sở sẽ trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình môi trường trên địa bàn tỉnh là bình thường. Phóng viên cứ chủ động liên hệ chỗ anh Hải (Phó Giám đốc Sở) những tài liệu cung cấp cho Ban Tuyên giáo thì sẽ cung cấp qua email lại”.
Còn tại UBND thị xã Phú Mỹ, bà Phan Thị Ngọc Hoa, Phó Chánh văn phòng UBND thị xã giới thiệu chúng tôi qua phòng Tài nguyên và Môi trường gặp ông Trần Văn Hiền, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Phú Mỹ để trao đổi thông tin.
Tại cuộc gặp, ông Hiền cho biết, việc người dân xã Tân Hải phản ánh tình trạng ô nhiễm là đúng. Đối với các sự cố xảy ra, phòng Tài nguyên và Môi trường, thị xã Phú Mỹ vẫn nắm bắt kịp thời, báo cáo và phối hợp xử lí khi có yêu cầu.
Về thông tin chi tiết hơn, ông Hiền hướng dẫn phóng viên liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu để được cung cấp thông tin.