Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tiếp nhận kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội về đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội.
Đề xuất này nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch hệ thống cảng hàng không).
Ảnh minh họa.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc tế. Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch để UBND thành phố bổ sung vào Quy hoạch Thủ đô đang triển khai, bảo đảm thống nhất.
Do đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI - đơn vị tư vấn lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không) nghiên cứu nội dung đề xuất của Hà Nội về việc quy hoạch sân bay thứ hai của vùng thủ đô là sân bay Quốc tế và báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý trước ngày 27/5/2023.
Đề xuất này được chính quyền Hà Nội đưa ra sau khi nghiên cứu quy hoạch sân bay mà Bộ GTVT đang trình Thủ tướng.
Theo quy hoạch này, sân bay quốc tế Nội Bài đến năm 2050 sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm. Còn sân bay thứ hai của vùng thủ đô dự kiến xây dựng tại phía Đông Nam hoặc phía Nam Hà Nội, sẽ được nghiên cứu ở giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, và chỉ là sân bay quốc nội.
Theo UBND Hà Nội, đến năm 2050, dân số vùng thủ đô sẽ lên khoảng 21-23 triệu người, tổng diện tích khoảng 24.314km2, cơ bản tương đồng với vùng TP.HCM - dân số 24-25 triệu người, diện tích khoảng 30.400km2.
Với vùng TP.HCM, đến nay đã xác định rõ hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành đều là cảng hàng không quốc tế, với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm.
Do vậy với vùng thủ đô cũng cần thiết quy hoạch hai sân bay quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, dự phòng quỹ đất, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn thủ đô...
Ngoài đề nghị quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2, UBND Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch sân bay này làm cơ sở để Hà Nội cập nhật, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô được phê duyệt năm 2016 đã định hướng nghiên cứu vị trí sân bay quốc tế thứ 2, gồm khu vực Lý Nhân (Hà Nam), Ứng Hòa (phía nam Hà Nội), Thanh Miện (Hải Dương) và khu vực Tiên Lãng (Hải Phòng).
Vùng Thủ đô Hà Nội gồm Hà Nội và 9 tỉnh lân cận, có quy mô dân số dự báo đến năm 2050 khoảng 21-23 triệu người, tổng diện tích trên 24.000km2, cơ bản tương đồng với vùng TPHCM (quy mô dân số 24-25 triệu người, diện tích khoảng 30.400km2).
Theo Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, bước đầu được xác định sân bay thứ 2 sẽ được đặt ở phía Đông Nam của Thủ đô, tuy nhiên chưa có vị trí cụ thể. Việc quy hoạch sân bay thứ 2 nhằm có hướng mở để nghiên cứu xây dựng, nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.
Theo đó, muốn xác định vị trí cụ thể của sân bay thứ 2 này, sẽ cần có những nghiên cứu hết sức kỹ càng, đặc biệt là địa hình, khí hậu thuỷ văn, vùng trời trong mối tương quan với các đường bay với Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài...
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Vì theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng cảng hàng không này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội.
Cụ thể, Hà Nội đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng sân bay ở phía Nam đặt ở khu vực huyện Thường Tín. Vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất-hạ cánh song song với đường cất-hạ cánh của sân bay Nội Bài. Hà Nội cơ bản đã thống nhất ở khu vực Thường Tín, vị trí xây dựng chi tiết sau này sẽ có quy hoạch cụ thể.
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 tại Quyết định 768), có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng Thủ đô, gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km.
Phương án đề xuất quy hoạch sân bay tại huyện Ứng Hòa trước đó cũng đã được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các đơn vị chuyên ngành, vị trí này có nhiều vấn đề tác động tới hoạt động khai thác ở sân bay Nội Bài.
Quy hoạch các cảng hàng không, sân bay tầm nhìn đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không. Bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc. 19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội. |