Theo định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội, thành phố đã cập nhật một số phương án nghiên cứu đề xuất vị trí sân bay thứ 2 theo nghiên cứu của Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải.
Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)
Ngoài phương án 1 là các huyện Thanh Oai và Thường Tín, quy mô diện tích 1.300ha; Hà Nội bổ sung thêm phương án 2 tại huyện Ứng Hòa (có diện tích khoảng 1.700ha, liên quan 7 xã, dân số bị ảnh hưởng 10.000 người).
Ưu điểm khu vực trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ 2. Liên kết khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn: Trong quy hoạch cảng hàng không toàn quốc đã xác định Thủ đô lớn như Hà Nội cần có sân bay thứ 2 và được bố trí theo trục Bắc Nam. Do vậy, thành phố đang nghiên cứu, đề xuất sân bay thứ 2 của Hà Nội ở khu vực phía Nam. Đây là vị trí thuận lợi để kết nối với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các tuyến đường cao tốc kết nối vùng và quốc gia khác.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc. Hà Nội cũng đề xuất một số sân bay trên địa bàn chuyển thành lưỡng dụng để phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài cho Thủ đô.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, đây sẽ là tiền đề tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực của thành phố. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán định hướng phát triển Hà Nội với vai trò dẫn dắt, tạo sức mạnh lan tỏa trong Vùng Thủ đô bằng việc nghiên cứu đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… kể cả đường bộ và đường sắt.
Trước đó, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 15/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai để đáp ứng sự phát triển của Thủ đô Hà Nội cùng các tỉnh phía Bắc. Dự kiến triển khai giai đoạn 2026-2030.
Hiện nay Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 2 nhà ga hành khách với công suất khai thác đạt 25 triệu khách/năm (nhà ga T1 là 15 triệu khách/năm, nhà ga T2 là 10 triệu khách/năm).
Theo tính toán, đến năm 2050, lượng khách qua sân bay quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt/năm, dù đã mở rộng, sân bay Nội Bài cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của vùng thủ đô.
Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn; được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.
Theo đó, đô thị trung tâm Hà Nội được phân cách với thành phố phía Tây, các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh.
Bên cạnh đó, trong Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ nghiên cứu cụ thể nhận diện rõ nét hơn tư tưởng, triết lý; phân nhóm các quan điểm chủ đạo, làm rõ hơn quan điểm bảo vệ phục hồi các dòng sông trên địa bàn; lựa chọn phương án phát triển và khâu đột phá phù hợp với mục tiêu phát triển, thể hiện được khát vọng phát triển Thủ đô.
Đối với các trục phát triển, thành phố nhất trí với ý kiến đại biểu cho rằng trục sông Hồng có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo tồn vừa phát triển, có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan tham mưu hoàn thiện nội dung trục phát triển bảo đảm thống nhất với Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.