Tạ Nhị ·
1 năm trước
 7033

Trình quy hoạch sân bay thứ 2 vùng thủ đô

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai vùng Thủ đô vào giai đoạn 2026 - 2030.

Mở rộng sân bay Nội Bài, Trình quy hoạch sân bay mới

Ban Cán sự đảng Bộ GTVT vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển Vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong giai đoạn 2026 - 2030.

Bộ GTVT sẽ xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai vùng Thủ đô vào giai đoạn 2026 - 2030.

Việc cải tạo, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng sẽ được thực hiện góp phần xây dựng và phát triển TP Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Ảnh: NIA

Cùng với đó, sẽ cải tạo, nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo quy hoạch, góp phần xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.

Ngoài ra, Bộ GTVT tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư cầu Đuống để tăng cường năng lực vận tải đường sông; hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Cổ Tiết - Chợ Bến vào năm 2025 để triển khai đầu tư tuyến, hoàn thành trước năm 2030; nghiên cứu huy động vốn đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Hạ Long, tuyến đường sắt vành đai nhánh phía Đông đoạn Bắc Hồng - Yên Viên - Lạc Đạo - cầu Mễ Sở - Ngọc Hồi.

Bộ GTVT sẽ phối hợp với Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 2,5, các tuyến đường sắt đô thị, các cầu vượt sông Hồng (cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở), cầu vượt sông Đuống, các tuyến trục hướng tâm.

Về nguồn vốn, Bộ GTVT xác định ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn gắn với các đầu mối vận tải lớn, đường sắt đô thị...

Sân bay thứ 2 Hà Nội sẽ đáp ứng yêu cầu giao thông cửa ngõ, phát triển vùng thủ đô và khu vực phía Bắc. Việc xây dựng sân bay thứ 2 Hà Nội đang nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Thông tin về đề án này, Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, hội đồng thẩm định Nhà nước đã thông qua đề án quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội và hiện đang trình Thủ tướng.

Vị trí quy hoạch được xác định ở phía Đông Nam của thủ đô, nhưng chưa có vị trí cụ thể. Việc quy hoạch sân bay thứ 2 của Hà Nội nhằm có hướng mở để nghiên cứu xây dựng, nhằm giảm tải cho sân bay Nội Bài sau năm 2050.

Giảm tải cho sân bay Nội Bài

Trước đó, Sân bay Nội Bài nhiều thời điểm xảy ra tình trạng ùn tắc, quá tải do lượng khách vượt công suất thiết kế nhà ga. Cụ thể, hồi tháng 6/2022, lượng hành khách tại cảng thường xuyên tăng đột biến. Công suất thiết kế của nhà ga hành khách quốc nội là 100.000 lượt khách/ngày, có ngày đã đạt 102.000 (hơn 90% là lượt khách nội địa).

Thậm chí, có ngày số lượt khách là 104.000, trong đó 93.000 khách nội địa. Số khách quốc nội tại Nội Bài đã tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019, khi Covid-19 chưa bùng phát.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành từng nhấn mạnh: Nếu không kịp thời quy hoạch, đầu tư mở rộng sân bay Nội Bài sẽ không đáp ứng được nhu cầu, gây ùn tắc, quá tải.

Cùng cập tới vấn đề này, chuyên gia hàng không, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống nhận định: Với mục tiêu bảo đảm mức tiếp cận giao thông hàng không của 96% dân số trong bán kính 100km đến sân bay, các tỉnh biên giới vùng Bắc bộ (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, ...) có khoảng cách đường bộ đến Nội Bài trên 250km và thời gian đi mất trên 5 giờ cần phải có sân bay.

Ngoài ra, các tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn cách Nội Bài khoảng 140km và thời gian đi khoảng 2,5 giờ cũng cần có sân bay. Bên cạnh đó, mặc dù ở thời điểm hiện tại, sân bay quốc tế Nội Bài vẫn đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận. Trong ngắn hạn, TP Hà Nội chưa cần thêm một sân bay dân dụng.

Theo Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, khi xây dựng đề án này, Bộ Giao thông vận tải, TP Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan đã phải nghiên cứu rất kỹ, đặc biệt là có việc thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước trước khi trình Thủ tướng thì đã có đủ cơ sở về mặt khoa học, kỹ thuật. 

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Vì theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng cảng hàng không này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội.

Hà Nội đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng sân bay ở phía Nam. Vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất-hạ cánh song song với đường cất-hạ cánh của sân bay Nội Bài.