Thành Phong ·
1 năm trước
 7937

Báo chí góp phần rất lớn trong công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường

Thanh Hóa luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng không có chuyện đánh đổi môi trường lấy đầu tư, kinh tế.

Những năm qua, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến vấn đề này.

Phóng viên: Trong nhiều năm trở lại đây, Thanh Hóa đang dần trở thành điểm sáng phát triển kinh tế tại miền Trung. Tuy nhiên, song song với đó cũng phát hiện không ít các vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Vậy ông cho biết thực trạng vi phạm này như thế nào? 

Ông Lê Đức Giang: Thời gian qua các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tại Thanh Hoá đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực khai thác khoáng sản, khu xử lý rác thải, trang trại chăn nuôi, các cơ sở chế biến giấy, bột giấy, vàng mã dọc lưu vực sông Mã, sông Âm, các khu dân cư ven biển... vẫn xảy ra; vi phạm pháp luật về môi trường với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, gây bức xúc trong nhân dân.

Những năm qua, kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã có sự phát triển vượt bậc, năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã gia nhập "Câu lạc bộ 50.000 tỷ" đóng ngân sách nhà nước.

Chất thải rắn đang là vấn đề nóng, mang tính cấp bách cần được ưu tiên đầu tư giải quyết. Hiện nay, với hàng triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng chục nghìn tấn chất thải nguy hại, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm, trong khi đó, hầu hết chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn. Phần lớn chất thải rắn được xử lý theo hình thức chôn lấp tuy nhiên, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây phát tán mùi ra các khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, các hệ sinh thái tự nhiên tiếp tục bị chia cắt, thu hẹp về diện tích và xuống cấp về chất lượng dẫn đến mất cân bằng sinh thái, giảm chức năng phòng hộ, mất nguồn cung cấp nước ngầm, mất nơi sinh cư và sinh sản của các loài sinh vật. Số loài và số cá thể các loài hoang dã bị giảm mạnh. Nhiều loài bị săn bắt, khai thác, buôn bán trái phép dẫn đến nguy cơ bị tuyệt chủng cao; nguy cơ mất an ninh sinh thái do sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ các sinh vật biến đổi gen.

Phóng viên:Thời gian vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xử lý rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp vi phạm liên quan đến ô nhiễm môi trường. Ông có thể cho biết để hạn chế vấn đề này, tỉnh Thanh Hóa có những mục tiêu dài hơi như thế nào?

Ông Lê Đức Giang: Việc xử phạt các cơ sở vi phạm quy định về môi trường là cần thiết. Tỉnh Thanh Hóa kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần chú trọng đến các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường trong quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản nói riêng và các ngành, nghề khác nói chung. Các doanh nghiệp bị xử phạt trong đợt này cần nghiêm túc khắc phục các sai phạm, nhất là chú trọng đầu tư xây dựng, đổi mới công nghệ hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi sang các ngành nghề sản xuất khác không gây ô nhiễm môi trường; có phương án chuyển đổi địa điểm sản xuất tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và quy hoạch phát triển của các địa phương. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở có công nghệ sản xuất lạc hậu, không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường thì kiên quyết dừng hoạt động.

Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Để hạn chế tình trạng vi phạm liên quan đến ô nhiễm môi trường, với phương châm “phòng ngừa là chính”, UBND tỉnh Thanh Hóa xác định các giải pháp chủ yếu như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức tới các cấp ngành, các tổ chức, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp. Đây là điểm mấu chốt nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tích cực, chủ động, tự giác trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, hạn chế các thói quen có hại cho môi trường, đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường,...

Hai là, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp, các ngành; xây dựng cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường; bố trí nguồn lực thực hiện các dự án cấp thiết.

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường. Tập trung vào hoạt động thanh tra, kiểm tra các nhóm cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, có chế tài đủ mạnh nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mục đích cuối cùng là nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, góp phần xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh phát triển, có môi trường sống trong lành.

Phóng viên: Tỉnh Thanh Hóa kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, ông cho biết rõ hơn về quan điểm này?

Ông Lê Đức Giang: Trong thời gian qua công tác bảo vệ môi trường luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hoá quan tâm chỉ đạo và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kết luận số 2073-KL/TU ngày 07/9/2020 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 cũng đã  nêu bật quan điểm kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.  UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo quy chuẩn trước khi đi vào hoạt động, kiên quyết không chấp thuận đầu tư mới đối với các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường ở đầu nguồn các con sông, các dự án có công nghệ lạc hậu, không đầu tư hoàn chỉnh các công trình bảo vệ môi trường.

Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường tác nghiệp tại Thanh Hóa.

Thanh Hóa luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng không có chuyện đánh đổi môi trường lấy đầu tư, kinh tế. Đối với những doanh nghiệp xả thải làm huỷ hoại môi trường phải xử lý nghiêm minh.

Phóng viên:Hiện nay,Thanh Hóa là tỉnh có sự phát triển “nóng” về kinh tế của khu vực Trung bộ, ông có thể cho biết vai trò của báo chí trong việc bảo vệ môi trường như thế nào?

Ông Lê Đức Giang: Báo chí có vai trò quan trọng đối với công tác phối hợp bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển mạnh mẽ về kinh tế của tỉnh. Thanh Hóa có địa bàn rộng, số lượng doanh nghiệp nhiều, lực lượng làm công tác quản lý môi trường mỏng nên không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các doanh nghiệp. Bởi vậy, cơ quan báo chí đã góp phần không nhỏ trong công tác phản ánh các sự việc gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp để cơ quan chức năng kịp thời giải quyết ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường kéo dài.

Đồng thời trong thời gian qua, các cơ quan báo chí cũng đã góp phần rất lớn trong công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, tuyên truyền những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ môi trường, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường thay đổi thói quen ứng xử với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.

Phóng viên: Để phát huy những tiềm năng, giá trị khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh giúp Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc, ông cho biết vai trò của báo chí trong mục tiêu này.

Ông Lê Đức Giang: Thông qua hoạt động nghiệp vụ, các cơ quan báo chí đã tích cực tham gia vào những điểm nóng, vấn đề nổi cộm của xã hội và cả vấn đề phát triển kinh tế của tỉnh Thanh Hoá… Từ đó khẳng định, báo chí là nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy minh bạch hóa xã hội và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng; kích thích nền kinh tế - xã hội phát triển theo xu hướng minh bạch và tích cực.

Để làm tốt hơn vai trò trong bối cảnh bùng nổ về mạng xã hội và công nghệ thông tin hiện nay, theo tôi, các cơ quan báo chí cần minh bạch hơn, khách quan, công bằng hơn trong tiếp cận và xử lý thông tin. Đặc biệt, lúc nào cũng phải bám theo tôn chỉ, mục đích về sứ mệnh của báo chí cách mạng và làm đúng theo tinh thần, chỉ đạo chung của Đảng, đúng theo quy định chung của pháp luật đối với các cơ quan báo chí. Mong rằng, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí nói chung và Tạp chí Kinh tế Môi trường nói riêng sẽ có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả hơn trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Đặc biệt là góp phần tạo được sự đồng thuận xã hội giúp Thanh Hóa sớm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc.

Xin chân thành cảm ơn ông!