Ngọc Lan ·
39 tuần trước
 5429

Báo động tình trạng ô nhiễm nhựa ở rạn san hô tăng theo độ sâu

Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, hiện nay mức độ ô nhiễm nhựa trên các rạn san hô đang là vấn đề cấp bách và có tác động tiêu cực tới hệ sinh thái rạn san hô.

Không có nơi nào trên hành tinh không có rác thải nhựa và các rạn san hô cũng không ngoại lệ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, càng nằm ở sâu dưới đại dương thì các rạn san hô càng có nhiều rác thải nhựa.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu từ Học viện Khoa học California, Đại học São Paulo, Đại học Oxford, Đại học Exeter và các cộng tác viên khác tiết lộ mức độ ô nhiễm nhựa trên các rạn san hô, cho thấy rằng các mảnh vụn tăng theo độ sâu, phần lớn bắt nguồn từ các hoạt động đánh bắt cá, và có tương quan với các khu bảo tồn biển.

Dự án nghiên cứu “Ô nhiễm nhựa ở các rạn san hô trên thế giới” đã tìm hiểu 85 rạn san hô tại hơn 20 địa điểm khắp Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, trong đó có những đảo san hô không người ở và các rạn san hô ở độ sâu 150m.

Các nhà khoa học đã sử dụng dụng cụ lặn đặc biệt để khảo sát vùng mesophotic, ở độ sâu 30-150m, nơi có một số ánh sáng lọt đến nhưng không đủ để duy trì quá trình quang hợp. Họ phát hiện tất cả các rạn san hô đều có rác thải nhựa và 3/4 rác là những vật dụng đánh bắt cá như dây thừng, dây cước và lưới. Ngoài ra, vỏ bọc thực phẩm và chai nhựa cũng là các loại rác phổ biến. Đặc biệt, những san hô ở những vùng biển sâu có nhiều rác nhựa hơn các vùng biển nông. Phát hiện này gây bất ngờ vì những rạn san hô ở nơi sâu hơn dưới biển thường nằm xa nguồn gây ô nhiễm nhựa.

Gần 3/4 những vật thể lớn được tìm thấy là từ dụng cụ đánh bắt cá, vỏ bọc thực phẩm và chai nhựa cũng phổ biến. Ảnh: Luiz Rocha

Ở những rạn san hô gần các khu buôn bán và thành phố đông dân, ô nhiễm xuất xuất hiện nhiều hơn. Các rạn san hô nằm gần những khu bảo tồn biển cũng nhiều rác nhựa hơn vì ngư dân thường xuyên đến đánh bắt quanh đó.

Nhóm nghiên cứu cho biết nhựa có thể lây bệnh cho san hô, còn dây cước, lưới đánh cá có thể làm hỏng cấu trúc san hô, vì thế làm giảm số lượng và sự đa dạng của các loài cá nơi đây.

Quần đảo Comoros nằm ở phía Đông Nam châu Phi là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mật độ gần 84.500 vật thể nhựa/km2. Nơi ít ô nhiễm nhất là quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, với khoảng 580 vật thể/km2.

Rác nhựa xuất hiện nhiều hơn ở những nơi sâu hơn có thể là do sóng và xoáy nướcở bề mặt kéo rác xuống. Ngoài ra còn có khả năng những người đi lặn giải trí dọn rác từ những rạn san hô ở vùng biển nông, hoặc các rạn san hô ở vùng biển nông có tốc độ phát triển nhanh hơn và đã mọc trùm lên rác nhựa.

Phát hiện chỉ ra một số thách thức lớn trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa. Với tình trạng tài nguyên biển toàn cầu đang cạn kiệt dần, những người sống dựa vào biển quay sang khai thác những vùng biển sâu hơn và gần khu bảo tồn hơn vì đó là những nơi vẫn còn nhiều hải sản.

Tác giả nghiên cứu và nhà sinh vật biển Paris Stefanoudis của Đại học Oxford cho biết: Kết quả nghiên cứu toàn cầu đã làm sáng tỏ một trong nhiều mối đe dọa mà các rạn san hô sâu phải đối mặt ngày nay. Do những hệ sinh thái này là duy nhất về mặt sinh thái và sinh học, giống như những hệ sinh thái nước nông của chúng, chúng cần được bảo tồn và xem xét rõ ràng trong các kế hoạch quản lý.

Đặc biệt, họ nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng độ sâu của các khu bảo tồn biển để bao gồm các rạn san hô ở vùng khơi đại dương mesophotic, cập nhật các thỏa thuận quốc tế về chống ô nhiễm nhựa tại nguồn - chẳng hạn như những thỏa thuận được thảo luận tại Ủy ban đàm phán liên chính phủ về ô nhiễm nhựa gần đây - để bao gồm cả hoạt động đánh bắt cá và phát triển các giải pháp thay thế ngư cụ có thể phân hủy sinh học với chi phí thấp. Điều này sẽ không ảnh hưởng xấu đến phúc lợi của các cộng đồng ven biển vốn dựa vào đánh bắt bền vững để kiếm sống.