Ngọc Khôi ·
3 năm trước
 3383

Bảo tồn đa dạng sinh học - vì một 'hành tinh xanh'

Ngày nay, đa dạng sinh học có vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, cân bằng hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, bảo tồn đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện nay, Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng lớn. Đó là biến đổi khí hậu; suy giảm các hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Theo đó, các khủng hoảng đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng có ý nghĩa sống còn đối với quá trình phát triển kinh tế và xã hội của nhân loại. Do đó, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái ngày càng được công nhận là tài sản vô giá của toàn cầu đối với thế hệ hôm nay cũng như các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, số lượng các loài thực vật, động vật nằm trong danh mục loài cần ưu tiên bảo vệ bị tuyệt chủng ngày càng gia tăng. Cụ thể, các loài thực vật, động vật đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2020, tăng lên 329 loài so với năm 2007. Trong đó, 136 loài thực vật và 193 loài động vật. Nếu tiếp tục xu thế tiêu cực hiện nay sẽ làm suy giảm tới 80% tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. 

Ngoài ra, có đến 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng. Trong số các loài đang trong tình trạng bị đe dọa có tới 25% loài động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển; 41% động vật lưỡng cư; 19% loài bò sát; 13% loài chim; 7% loài cá; 31% cá đuối và cá mập; 33% rạn san hô; 27% động vật giáp xác; từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật. Ước tính 82% sinh khối động vật có vú hoang dã đã bị mất. Đây là những con số thống kê của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hợp Quốc tại Báo cáo Đánh giá toàn cầu về Đa dạng sinh học và Dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 (IPBES).

bảo tồn sinh học

Đa dạng sinh học và các hệ sinh thái ngày càng được công nhận là tài sản vô giá của toàn cầu. (Ảnh: VnExpress)

Bên cạnh đó, các loài thực vật cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng. Các khu rừng chứa 60.000 loài cây khác nhau, nhưng mỗi năm có khoảng 10 triệu ha rừng bị mất kéo theo nhiều loài thực vật bị suy giảm. Từ năm 1990 đến nay đã có khoảng 420 triệu ha rừng đã bị phá hủy do chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện có 4 loài động vật đã tuyệt chủng, 5 loài tuyệt chủng trong thiên nhiên, 48 loài rất nguy cấp và 113 loài nguy cấp, 37 loài thực vật rất nguy cấp, 178 loài nguy cấp. Số lượng các giống, chủng động vật, thực vật được nuôi trồng phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, y tế… đã mất đi khá nhanh, trong số này có nhiều giống quý hiếm.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do sự biến mất tự nhiên, khai thác quá mức; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa... và các loài xâm lấn. Trong đó, đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất bị biến đổi, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm. Biến đổi khí hậu cũng đẩy hàng nghìn loài động vật và thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng. Các đợt nắng nóng, hạn hán gia tăng đã khiến nhiều nước phải hứng chịu hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng như ở Australia, Indonesia, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ và Hy Lạp.

Phục hồi để phát triển bền vững

Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường kết hợp du lịch, cân bằng hệ sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là để rừng sinh trưởng bền vững. Việc bảo vệ đa dạng sinh học là việc làm cấp thiết mà mỗi vùng quốc gia lãnh thổ nên có những biện pháp để phát triển, bên cạnh đó việc thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cũng là điều kiện cần và đủ để việc nâng cao quản lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học được phát triển tốt nhất.

Bên cạnh việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái thì việc bảo vệ rừng hiện có và bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với các loài thực vật, động vật, nấm vi sinh vật quý hiếm cũng là một giải pháp quan trọng. Nó giúp phục hồi nguồn gen trong tự nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai.

Giải pháp để phục hồi hệ sinh thái hiệu quả là “dựa vào thiên nhiên” trong phát triển kinh tế - xã hội trên nguyên tắc thuận thiên với thiên nhiên. Sống hài hòa với thiên nhiên trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Mở rộng việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, các hành lang xanh - hành lang đa dạng sinh học.

Đồng thời, tăng cường đầu tư các nguồn lực về tài chính, chính sách, khoa học - công nghệ. Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý, kỹ thuật chuyên sâu về kỹ năng phục hồi các hệ sinh thái.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện diện tích rừng nghèo chiếm 54,45%. Rừng nghèo kiệt phục hồi chiếm 13,01%. Rừng giàu chiếm 8,7%. Vì vậy, mọi giải pháp có lợi cho mục tiêu phục hồi các hệ sinh thái nghèo kiệt là cần thiết và có ý nghĩa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, để phục hồi hệ sinh thái rừng nghèo kiệt bằng cách tránh hạn chế việc chuyển đổi hệ sinh thái này sang mục đích sử dụng khác (trồng cà phê, cao su...). Giữ diện tích đó để thực hiện các dự án trồng cây xanh. Hỗ trợ quá trình tái sinh tự nhiên để phục hồi lại hệ sinh thái rừng có chất lượng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan.

Đối với hệ sinh thái hồ, suối, sông, phải tổ chức quản lý thu gom rác thải trên bờ, trên mặt nước; trồng các giống loài cây bản địa thích hợp xung quanh bờ các sông, suối; tạo hành lang di chuyển cho các loài động vật hoang dã; xây dựng quy trình khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên thủy sản theo phương châm bền vững; ngăn chặn kịp thời các loài ngoại lai xâm hại.

Đối với hệ sinh thái ven biển, biển, đảo, bên cạnh việc trồng cây xanh có giá trị kinh tế, giúp chắn cát, gió, sóng thì thu gom rác thải cần tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, mỗi người có ý thức trồng cây xanh theo đề án 1 tỉ cây xanh để phục hồi hệ sinh thái thực vật, bảo vệ môi trường sống.

“Năm 2020 thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả đại dịch toàn cầu và các cuộc khủng hoảng liên tục về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm. Năm 2021, chúng ta phải thực hiện các bước để chuyển từ khủng hoảng sang hồi phục, trong đó việc phục hồi thiên nhiên là cấp thiết đối với sự tồn tại của hành tinh và loài người”, ông Erik Solheim - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chia sẻ.

Với việc khởi động “Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái”, Ngày Môi trường thế giới năm 2021 là cơ hội để Liên Hợp Quốc huy động những "nỗ lực chưa từng có giúp chữa lành Trái Đất". Theo đó, mục tiêu nhằm kêu gọi bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Đồng thời, ngăn chặn sự suy thoái của các hệ sinh thái và khôi phục chúng để đạt được các mục tiêu toàn cầu. Chỉ với các hệ sinh thái lành mạnh mới có thể nâng cao sinh kế của người dân, chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự sụp đổ của đa dạng sinh học.

Nguồn