Thành Phong ·
1 năm trước
 7748

Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ quan trọng

Phát triển nhanh và bền vững gắn với phát triển công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.

Ngày 10/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Hội thảo chuyên đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ/ngành, các chuyên gia và nhà khoa học; lãnh đạo các đơn vị lĩnh vực môi trường thuộc Bộ; lãnh đạo Sở TN&MT, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng TN&MT tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong đó, đại diện của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 03/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI, đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở nước ta.

Nghị quyết đã đề ra 5 quan điểm và các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 hướng đến năm 2050; 4 nhóm nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và 5 nhóm giải pháp.

Từ khi Nghị quyết ra đời đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi lớn. Đại dịch Covid – 19, xung đột giữa Nga và Ukraine đã và đang tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội. Ba cuộc khủng hoảng toàn cầu là BĐKH, suy thoái tài nguyên, đa dạng sinh học đang tiếp diễn. Trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (2021 – 2030), Liên Hợp Quốc đang thúc đẩy các nước thực hiện Chương trình nghị sự 2030 để đạt 17 Mục tiêu Phát triển bền vững, Thoả thuận Paris về ứng phó BĐKH, Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal năm 2022...

Hiện nay, các quốc gia đang đàm phán xây dựng Thỏa thuận Toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Cùng với các thành tựu của Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số ứng dụng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nhiều nước đang tích cực thực hiện kinh tế tuần hoàn và cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào 2050. Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc tế cũng đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Còn ở trong nước, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chủ trương phát triển nhanh và bền vững tăng trưởng kinh tế, gắn với phát triển công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với BĐKH.

Theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị và Ban Bí thư năm 2023, Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT được giao chủ trì chuẩn bị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Riêng trong lĩnh vực môi trường, có 13 chỉ tiêu cần đánh giá kết quả thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì Hội thảo.

Cùng với các kết quả trong thời gian qua, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến về quan điểm, định hướng và các giải pháp trong việc bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2030 và hướng đến năm 2050, nhìn nhận khách quan trong bối cảnh mới và nhiệm vụ mới về vấn đề môi trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trình bày Báo cáo đề dẫn Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường cho biết:

Giai đoạn 2013 – 2023 đánh dấu một bước tiến lớn trong công tác hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT). Hệ thống chính sách pháp luật được xây dựng bám sát yêu cầu thực tiễn các vấn đề phát sinh, xác định đúng vấn đề nút thắt, điểm nghẽn, kẽ hở, khoảng trống của chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ TN&MT, các Bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ mọi nguồn lực để nỗ lực xây dựng, trình ban hành Luật BVMT năm 2014 và 2020.

Về cơ bản, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã có những bước sắp xếp, kiện toàn bảo đảm tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đầu tư cho bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Tổng ngân sách sự nghiệp BVMT được tăng dần theo từng năm và luôn được đảm bảo bố trí không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn so với giai đoạn trước (năm 2022 tăng 2,2 lần so với năm 2013).

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường trình bày Báo cáo đề dẫn Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cộng đồng, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường. Các cơ quan quản lý đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn (KCN, CCN, làng nghề, dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn,…); triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH ) nhận được sự quan tâm từ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH, CTR công nghiệp, chất thải nguy hại đều tăng so với giai đoạn trước. Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý , Nhà nước đã có nhiều biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc “lợi dụng” chính sách về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa rác thải vào nước ta.

Cùng với chất lượng môi trường từng bước cải thiện, công tác bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên cũng có nhiều bước tiến. Cụ thể là đã chủ động kiểm soát được tác động tiêu cực của các dự án, hoạt động kinh tế tới thiên nhiên, đa dạng sinh học. Số lượng các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển, các khu bảo tồn có danh hiệu quốc tế, khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế ở nước ta tiếp tục gia tăng. Quy trình kiểm dịch động, thực vật nhập khẩu được kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm hại.

"Nhìn chung, thông qua việc triển khai nhiều công cụ, biện pháp quản lý  đồng bộ, công tác BVMT trong 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực" - ông Nguyễn Hưng Thịnh khẳng định.

Chia sẻ rõ hơn về một số chỉ tiêu cụ thể trong lĩnh vực môi trường, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã trình bày về thực trạng, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và rác thải nhựa hướng tới phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu tại Hội thảo.

Góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến khẳng định vai trò và ý nghĩa của Nghị quyết số 24-NQ/TW đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời đánh giá cao quyết tâm của các Bộ, ban ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

“Tôi cho rằng, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường tách biệt 3 nội dung lớn trong Nghị quyết số 24-NQ/TW để triển khai tổng kết và lấy ý kiến là quyết định rất sáng suốt, tách bạch rõ ràng, đi vào từng vấn đề cụ thể. Trên cơ sở đó, phân tích hiệu quả thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia để có định hướng trong tương lai.

Trong quá trình triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, mặc dù vẫn xảy ra những “câu chuyện buồn” như sự cố Formosa, song nhìn chung chúng ta đã làm được rất nhiều việc, đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhận định.

Theo Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, do tình hình địa chính trị trên thế giới còn nhiều biến động, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có những chiến lược phù hợp để thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW hiệu quả hơn nữa.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường chia sẻ tại Hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Báo cáo Tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Môi trường chủ trì phân 13 chỉ tiêu môi trường thành 13 chuyên đề chuyên sâu, đề nghị các đơn vị môi trường thuộc Bộ và các Bộ, ngành liên quan tiến hành đánh giá cụ thể theo đề cương. Việc đánh giá cần đưa ra luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, cùng với giải pháp tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu trong thời gian tới.