Bích Hải ·
2 năm trước
 3455

Bến Tre tìm cách gỡ vướng cho các dự án điện gió

Hầu hết các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang chậm tiến độ, đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre vừa chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo tiến độ thực hiện đầu tư các nhà máy điện gió (NMĐG) trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, qua xem xét tiến độ 6 dự án được phê duyệt giai đoạn đầu (tổng công suất 179,7MW), có 05 dự án có khả năng đóng điện vận hành thương mại trước ngày 30/10/2021 Còn NMĐG Nexif dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn 8 dự án NMĐG khác đang trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục đầu tư với tổng công suất lên tới 828MW.

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, tiến độ triển khai 6 dự án đầu tiên khá chậm và các dự án này phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn tiến độ rất nhiều lần. 

Cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre khảo sát thực tế tại 1 nhà máy điện gió tại huyện Thạnh Phú.

Cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre khảo sát thực tế tại 1 nhà máy điện gió tại huyện Thạnh Phú.

Phía Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho biết, các dự án điện gió trên biển yêu cầu công nghệ và giải pháp kỹ thuật, thi công phức tạp nên thời gian chuẩn bị dự án, thi công cũng như việc đáp ứng các quy định trên biển phức tạp hơn so với điện gió trên bờ. Các dự án đều gặp vướng mắc trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đáng chú ý, do áp lực về tiến độ, các chủ đầu tư không tuân thủ đúng các quy định về trình tự thu hồi đất mà trực tiếp thỏa thuận giá cả đền bù với người dân, điều này làm cho mức giá đất trong khu vực có dự án tăng rất cao, dẫn đến khó khăn khi triển khai các công trình cần phải thu hồi đất sau này. 

Một vấn đề đặt ra hiện nay là các dự án năng lượng tái tạo phát triển khá nhanh trong khi lưới điện truyền tải chưa đáp ứng đủ, do đó cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, bài bản giữa công suất nguồn với phụ tải và lưới để từ đó đề xuất cơ chế đấu nối chung của các dự án trên cùng một địa bàn. 

Mặt khác, do chưa có cơ chế cho tư nhân tham gia xây dựng lưới truyền tải nên chưa huy động hết các nguồn lực trong đầu tư phát triển năng lượng. Sở Công Thương Bến Tre đã kiến nghị các chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất đầu tư lưới truyền tải để đẩy nhanh tiến độ...

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020 đến nay, các công trình điện gió còn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp làm chậm tiến độ cung cấp turbin và các chuyên gia nước ngoài chưa thể đến làm việc đúng như kế hoạch. 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát tiến độ các dự án điện gió; đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và có giải pháp bảo vệ thi công.

Đối với các dự án vướng giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Sở Công Thương làm việc với chủ đầu tư có hướng điều chỉnh, thay đổi vị trí trụ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu trình hồ sơ UBND tỉnh ban hành Quyết định giao khu vực biển đối với các dự án khu vực biển.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo, do đang thừa điện nên trong thời gian tới nếu nhiều dự án điện gió đi vào hoạt động sẽ dẫn tới tình trạng càng thừa điện nhiều hơn. Điều đó có thể buộc EVN có thể tiến hành cắt giảm điện tái tạo vào thời điểm giữa và cuối năm 2021. Lượng điện cắt giảm có thể lên tới 350 - 400 triệu kWh.

Ngoài ra, các chuyên gia năng lượng đều nhận định dịch Covid-19 khiến tiêu thụ điện thấp, mức tăng trưởng sẽ phục hồi chậm, giảm huy động điện sẽ còn dài dài. Do đó, cân đối các nguồn năng lượng để tận dụng tối đa các nguồn tái tạo cần được đặt ra, đặc biệt cần đẩy nhanh phương án lưu trữ năng lượng.

Nếu không, sau làn sóng hòa lưới, sẽ đến làn sóng cắt giảm và làn sóng kêu ca của các nhà đầu tư điện gió, như đang diễn ra với điện mặt trời. Khi đó, trách nhiệm chưa rõ thuộc về ai nhưng hàng ngàn tỉ đồng đổ vào điện gió không sinh lời, lãng phí nguồn lực xã hội.

Nguồn