Ngọc Lan ·
1 năm trước
 6218

Biến đổi khí hậu tiếp tục phá vỡ các mức nhiệt cao kỷ lục

Hiện các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua những ngày nắng nóng chưa từng có trong lịch sử. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cũng như sức khỏe người dân tại các khu vực này.

Hàng loạt quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương hứng chịu mức nhiệt cao kỷ lục

Ngày 1/9, giới chức Ấn Độ cho biết, tháng 8 vốn là thời điểm gió mùa mang lại 80% lượng mưa của nước này hàng năm, song, năm nay, tháng 8 là tháng nóng nhất và khô nhất kể từ khi nước này bắt đầu theo dõi nhiệt độ cách đây hơn 1 thế kỷ. Bất chấp những trận mưa lớn gây lũ lụt chết người ở miền Bắc hồi đầu tháng, tổng lượng mưa của Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) thông tin, lượng mưa trung bình trong tháng 8 vừa qua tại nước này chỉ đạt 161,7 mm, thấp hơn 30,1 mm so với mức thấp kỷ lục ghi nhận hồi tháng 8/2005. Với hàng triệu nông dân phụ thuộc vào đặc trưng gió mùa để trồng trọt, những cơn mưa mùa hè rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sinh kế của Ấn Độ, vốn là quốc gia đông dân nhất thế giới.

Những người vô gia cư nằm nghỉ dưới gầm cầu để tránh cái nóng vào một buổi chiều hè nóng bức ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP)

Cùng ngày, Nhật Bản ra thông báo, nước này đang trải qua mùa hè nóng kỷ lục kể từ khi bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1898. Cơ quan Thời tiết Nhật Bản cho biết thêm, nhiệt độ trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 vừa qua "cao hơn đáng kể" so với mức trung bình tại miền Bắc, miền Đông và miền Tây nước này. Ở nhiều nơi, “không chỉ nhiệt độ tối đa mà cả nhiệt độ tối thiểu” cũng đạt mức cao kỷ lục. Chính quyền nước này cho biết đã có ít nhất 53 người chết vì say nắng trong tháng 7, trong đó gần 50.000 người cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Trong khi đó, Australia đang trải qua mùa đông nóng kỷ lục, với nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 mới đây là 16,75 độ C. Cục Khí tượng Australia (BOM) thông tin ngưỡng nhiệt này cao hơn kỷ lục vào năm 1996, đồng thời cũng là mức nhiệt trung bình mùa Đông cao nhất kể từ khi nước này theo dõi dữ liệu vào năm 1910.

Tác động ngày càng rõ rệt từ biến đổi khí hậu

Trước đó, ông John Nairn, cố vấn cấp cao về nắng nóng cực đoan thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc, đánh giá các đợt nắng nóng đang “trở nên nguy hiểm hơn nhiều". Theo ông đây là hậu quả của tình trạng Trái Đất ấm lên một cách rõ và nhanh nhất.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay đã ghi nhận tháng 7 là tháng nóng nhất do tác động của biến đổi khí hậu. Ngay cả một người trẻ có sức khỏe tốt cũng có thể tử vong nếu phải chịu mức nhiệt lên tới 35 độ C trong vòng 6 giờ cùng với độ ẩm 100%. Đáng lo ngại hơn cả là người già, trẻ em và người lao động ngoài trời cực kỳ dễ hao tổn sức khỏe nếu tiếp xúc lâu với nắng nóng. Việc sử dụng các biện pháp ứng phó như điều hòa không khí cũng không thể “tận diệt” tình trạng này, bởi sức khỏe con người vẫn là hữu hạn đối với tác động ngày càng rõ rệt từ biến đổi khí hậu. 

Lý giải về tình trạng này, giới khoa học cũng nhận định, khi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra trở nên trầm trọng hơn và nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao hơn, các đợt sóng nhiệt sẽ trở nên phổ biến hơn. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Harvard và Đại học Washington đăng trên tạp chí Communications Earth and Environment năm 2022 cũng chỉ ra rằng, các đợt sóng nhiệt nguy hiểm sẽ xuất hiện thường xuyên hơn gấp 3 - 10 lần vào năm 2100.

Sóng nhiệt là nắng nóng kéo dài vài ngày - hàng tuần ở một vùng kèm theo đứng gió.

Đặc biệt, ở phần lớn các quốc gia Châu Á, nơi có đặc trưng vùng nhiệt đới thì nguy cơ người dân phải tiếp xúc với mức nhiệt nguy hiểm là hầu hết các ngày trong năm. Thậm chí, Những ngày có nhiệt độ ở mức cực kỳ nguy hiểm, chạm ngưỡng 51 độ C, có thể tăng gấp đôi. Điều này thách thức giới hạn mạnh mẽ về khả năng sinh tồn của con người.