Bích Hải ·
2 năm trước
 2537

Biến rác thải thành vật liệu xây dựng bền vững

Nhóm các nhà tái chế ở Philippines đang cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng rác thải nhựa ngày càng trầm trọng của đất nước này bằng cách biến chai lọ và giấy gói đồ ăn nhanh làm tắc nghẽn các dòng sông và bãi biển thành vật liệu xây dựng bền vững.

Plastic Flamingo, hay "The Plaf", như chúng thường được biết đến, thu gom chất thải, cắt nhỏ và sau đó đóng khuôn thành các cột và ván được gọi là "gỗ sinh thái". Những sản phẩm này có thể được sử dụng để làm hàng rào, ván sàn hoặc thậm chí để tạo ra những nơi trú ẩn cứu trợ thiên tai.

Erica Reyes, giám đốc điều hành của The Plaf cho biết, “đây là vật liệu 100% được nâng cấp, 100% được làm từ vật liệu phế thải nhựa, chúng tôi cũng bao gồm một số chất phụ gia và chất tạo màu và nó không thối rữa, không cần bảo dưỡng và không có mảnh vụn".

Cho đến nay, dự án đã thu gom được hơn 100 tấn rác thải nhựa, đồng thời các doanh nghiệp xã hội đang nỗ lực giải quyết một vấn đề địa phương đang gây chia rẽ toàn cầu.

ô nhiễm

Công nhân trong nhà máy tái chế rác thải nhựa ở Muntinlupa, Philippines. (Ảnh: Eloisa Lopez)

Theo báo cáo năm 2021 của Our World in Data thuộc Đại học Oxford, khoảng 80% nhựa đại dương toàn cầu đến từ các con sông ở châu Á, riêng Philippines đóng góp 1/3 trong tổng số đó. Bên cạnh đó, Philippines không có một chiến lược rõ ràng để giải quyết vấn đề về rác thải nhựa và bộ môi trường quốc gia này cho biết họ đã liên hệ với các nhà sản xuất để xác định các cách quản lý chất thải.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến cuộc chiến chống rác thải nhựa khó phân thắng bại hơn.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được sản xuất hàng năm, một vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch gây ra “cơn sốt” mua các tấm chắn mặt bằng nhựa, găng tay, hộp đựng thực phẩm  mang đi và bọc bong bóng khi mua sắm trực tuyến tăng mạnh.

gạch lát

Các tấm ván chống thấm làm bằng nhựa được xếp chồng lên nhau trong nhà máy của The Plastic Flamingo (The Plaf). (Ảnh: Eloisa Lopez)

Allison Tan, điều phối viên tiếp thị của The Plaf cho biết: “Mọi người không biết cách xử lý những loại nhựa này như thế nào. Chúng tôi đưa ra giải pháp này thay vì đưa nó vào các bãi rác hoặc đại dương..., bạn đưa nó cho các trung tâm tái chế và rác thải sẽ được nâng cấp thành những sản phẩm tốt hơn".

Ngoài việc giải quyết các vấn đề về rác thải, nhóm các nhà tái chế hiện đang đàm phán với các tổ chức phi Chính phủ khác để giúp xây dựng lại những ngôi nhà bị bão tàn phá bằng cách sử dụng vật liệu xây dựng bền vững.

Được biết, tình trạng các bãi bồi và rừng ngập mặn Navotas ở Vịnh Manila, phía Tây của Metro Manila, Philippines đang bị chôn vùi trong một lớp rác dày đặc.

Bãi bồi và rừng ngập mặn Navotas là một trong những bãi bồi cuối cùng ở Vịnh Manila, một khu vực từng được bao bọc bởi những bụi cây và cây cối xanh tươi. 

Theo một ước tính được trích dẫn bởi Quan hệ Đối tác Quản lý Môi trường Biển Đông Á (PEMSEA), vào cuối thế kỷ 19, có tới 54.000 ha đầm lầy rừng ngập mặn dọc theo vịnh Manila. Đến năm 1995, diện tích này đã giảm xuống còn dưới 800 ha.

Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại ô nhiễm rác thải nhựa có thể gây hại cho các loài. Cá, chim và các động vật có vỏ có thể ăn các hạt vi nhựa. Rác thải nhựa cũng có thể dẫn đến sự tích tụ các hóa chất độc hại và hoạt động như một vật trung gian truyền bệnh, đe dọa các loài chim và con mồi của chúng.

Nguồn