Phát triển nhà ở xã hội
Bình Dương là địa phương đi đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả. Tỉnh xác định đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt ổn định chỗ ở, là nhiệm vụ quan trọng để người lao động yên tâm với công việc, gắn bó lâu dài với địa phương.
Thêm vào đó, Bình Dương cũng đã và đang phát triển mạnh các khu công nghiệp, thu hút đông lực lượng lao động từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đến làm việc và sinh sống. Vì vậy, việc hình thành các khu nhà ở xã hội quy mô lớn góp phần tạo bước đột phá mới, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội.
Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh hiện có hơn 3 triệu dân với trên 50% là người nhập cư. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn nhà ở là 3,8 triệu m2, đáp ứng cho 238.325 người, với tổng mức đầu tư 19.034 tỷ đồng.
Trong đó, có 43 dự án thuộc Đề án nhà ở an sinh xã hội do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. Đã có 23 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng diện tích sàn nhà ở 431.488 m2, đáp ứng nhu cầu cho 37.500 người. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đầu tư được 1,33 triệu m2 sàn/2 triệu m2 sàn, đạt tỷ lệ 65% kế hoạch đề ra.
Khu nhà ở an sinh xã hội của Becamex IDC tại Bình Dương
Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đang tiếp tục rà soát trong số 33 dự án nhà ở thương mại được giao chủ trương đầu tư, có bố trí khoảng 100 ha đất để xây dựng nhà ở xã hội. Qua hoạt động này sẽ đôn đốc, thúc đẩy chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh cho biết, tỉnh cũng rà soát, chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất trong đô thị, đặc biệt là các đô thị phía Nam để chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong các đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị phía Nam.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng điều chỉnh bổ sung đất xây dựng nhà ở xã hội tại 5 địa phương (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên). Dành quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp trong danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch quỹ đất đối với 27 khu vực phát triển đô thị với diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trên các tuyến đường Vành đai 3, 4, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... và các khu vực phát triển đô thị do các thành phố, thị xã đề xuất với diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội.
Mô hình nhà ở miễn phí
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có trên 200 doanh nghiệp xây nhà ở miễn phí cho công nhân. Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, người lao động không chỉ có chỗ ở tươm tất, tiết kiệm được thời gian đi lại, chi phí xăng xe, mà còn tiết kiệm được tiền để mua đất, xây nhà, tạo dựng cuộc sống ổn định.
Điển hình trong phải kể đến khu nhà ở của Công ty TNHH ShoWa Gloves Việt Nam (TP.Thuận An), nơi có 160 công nhân đang sinh sống với đầy đủ tiện nghi. Mỗi phòng được trang bị đầy đủ đồ dùng như giường chiếu, chăn màn, bếp gas, nồi cơm điện, tủ quần áo, ti vi... Khu nhà ở này còn được đầu tư sân bóng đá, bóng chuyền để người lao động rèn luyện sức khỏe khi chiều đến, có nhân viên dọn dẹp vệ sinh và bảo vệ 24/24 giờ.
Chị Sơn Mỹ Duyên, công nhân Công ty TNHH ShoWa Gloves Việt Nam chia sẻ, lúc mới vào làm, chị được công ty tạo điều kiện cho vào khu tập thể sinh sống nhưng chị nghĩ sống bên ngoài sẽ thoải mái hơn nên không vào. Những năm dịch bệnh, chị mới vào sống trong khu tập thể để bảo đảm sức khỏe.
“Tuy nhiên, khi vào đây sống tôi không muốn trở lại phòng trọ nữa vì ở đây quá đầy đủ tiện nghi, vừa tiết kiệm được mỗi tháng gần 2 triệu đồng thuê nhà và điện, nước các loại. Mỗi ngày tôi cũng không cần thức dậy sớm để đi làm, không lo nghĩ về an toàn giao thông khi di chuyển mỗi ngày”, chị Duyên chia sẻ thêm.
Tương tự, mô hình xây nhà ở miễn phí cho người lao động cũng được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP.Dĩ An) đầu tư xây dựng từ năm 2008 với 185 phòng (70m2/phòng), các phòng được trang bị đủ tiện nghi. Trong khuôn viên khu nhà còn được đầu tư sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, trường mầm non, siêu thị..., bảo đảm chỗ ở cho khoảng 700 công nhân.
Bên cạnh đó, khi vào làm việc tại công ty, người lao động chỉ tốn bữa ăn sáng, nếu làm tăng ca công ty lo luôn bữa tối. Gần như mọi sinh hoạt của người lao động được công ty lo hết, nên mỗi tháng công nhân ở tập thể bỏ túi không dưới 10 triệu đồng. Nhờ tiết kiệm được nhiều tiền, nên NLĐ của công ty không chỉ có tiền mua đất, xây nhà mà còn sắm cả ô tô.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam cho hay, Công ty luôn khuyến khích công nhân vào ở khu nhà tập thể của công ty để bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian đi lại, bảo đảm công việc. Trong khuôn viên khu nhà ở đã đầy đủ tiện ích phục vụ đời sống người lao động.
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, mô hình xây nhà ở cho người lao động của các doanh nghiệp rất thiết thực và cần nhân rộng.Thời gian qua, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mô hình này và rất nhiều đồng tình ủng hộ.Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là không bố trí được quỹ đất, do đó, thời gian tới cần có phương án giải quyết vấn đề này để tạo điều kiện cho người lao động an cư lạc nghiệp. |