Song Vũ ·
2 năm trước
 3707

Bộ chỉ số hỗ trợ địa phương đánh giá năng lực quản lý chất thải rắn

Đây được coi là công cụ giúp cho địa phương thực hiện xác định năng lực của chính họ trong hệ thống quản lý chất thải rắn và xác định được các nội dung/vấn đề cần cải thiện để tập trung tăng cường năng lực.

Nhận thấy các địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý chất thải rắn (QLCTR) trên địa bàn, trong khi đó lại chưa có nhiều bộ công cụ để hỗ trợ địa phương xác định được năng lực nhằm duy trì hệ thống quản lý chất thải rắn/3Rs, Chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã xây dựng và đề xuất Bộ chỉ số đánh giá năng lực quản lý chất thải rắn.

Bộ chỉ số CCBO đã được áp dụng cho 25 thành phố của 7 Quốc gia tham gia Chương trình CCBO. Đây được coi là công cụ giúp cho địa phương thực hiện xác định năng lực của chính họ trong hệ thống QLCTR; Đồng thời xác định được các nội dung/vấn đề cần cải thiện để tập trung tăng cường năng lực.

6 hợp phần thuộc bộ chỉ số CCBO

Hệ thống quản lý chất thải rắn bao gồm các hợp phần khác nhau. Mỗi hợp phần sẽ phải được thực hiện tốt để hướng tới quản lý bền vững. Bộ chỉ số CCBO gồm 6 hợp phần: quy hoạch; chính sách, pháp luật; quản lý tài chính; cung cấp dịch vụ; nguồn lực con người; kết nối cộng đồng.

Quy trình thực hiện bộ chỉ số được tiến hành như hình dưới đây.

Thực hiện bộ chỉ số theo 8 bước, bao gồm:

- Hỗ trợ từ địa phương;

- Xác định trưởng nhóm làm việc (Lãnh đạo Sở TN&MT);

- Xác định điều phối thực hiện;

- Xác định thành viên nhóm làm việc (SIG)

- Thực hiện trả lời bảng hỏi của bộ công cụ;

- Tổng hợp thông tin;

- Tổng hợp, biên soạn và phân tích;

- Báo cáo kết quả và ý kiến đề xuất.

Thực hiện đánh giá năng lực quản lý chất thải rắn theo Bộ chỉ số CCBO đem lại nhiều lợi ích cho địa phương. Vì nó thế hiện năng lực quản lý chất thải rắn/3Rs, biểu thị cả một tiến trình thực hiện, dễ dàng kết nối, hướng tới cộng đồng; đồng thờ có sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, đầu tư từ các doanh nghiệp, hỗ trợ ưu tiên tiết kiệm tài chính và nguồn lực, tạo sự kết nối giữa các nhân viên với nhau và tăng cường nhận thức về vai trò của mỗi cá nhân trong QLCTR, tăng cường quy trình lập kế hoạch về quản lý chất thải rắn, hướng dẫn quy trình về tài chính; tạo sự minh bạch, xây dựng lòng tin của cộng đồng vào chính quyền địa phương.

Tại Việt Nam, đã có 3 thành phố áp dụng Bộ chỉ số đánh giá năng lực quản lý chất thải rắn CCBO là Thành phố Huế, Phú Quốc và Đà Nẵng.

Ngày 11/8, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đại diện Chương trình CCBO tổ chức đánh giá kết quả công tác bảo vệ môi trường của thành phố theo bộ chỉ số đánh giá năng lực quản lý chất thải rắn do CCBO. Theo đó, Đà Nẵng đạt điểm số tổng quan 86/100 theo bộ chỉ số. Thông qua việc đánh giá theo bộ chỉ số, CCBO đề nghị thành phố Đà Nẵng chỉ đạo tăng cường thu gom các loại rác có thể tái chế được, rác thải xây dựng; xác định thị trường đối với các vật liệu có thể tái chế được; hướng đến hoạt động thu gom, vận chuyển hiệu quả đối với rác thải chở lên khu xử lý (sau phân loại)...

Kế hoạch và mục tiêu của CCBO là thực hiện đánh giá năng lực QLCTR tại thành phố Biên Hoà, giới thiệu bộ chỉ số tới cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và chia sẻ tới các thành phố trong chương trình cũng như các thành phố khác.