Bích Ngọc ·
31 tuần trước
 12909

Bộ Công an: Hơn 42.000 người bị hại trong vụ Vạn Thịnh Phát sẽ được bảo vệ quyền lợi

Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an cho biết, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo hơn 42.000 nhà đầu tư và chiếm đoạt tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng.

Chiều hôm nay, (ngày 2/10), Bộ Công an tổ chức họp báo, thông tin về tình hình, kết quả công tác quý 3 và nhiệm vụ công tác trọng tâm trong quý tới.

Thông tin về quá trình điều tra vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan", tại buổi họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó cục trưởng C03 cho hay, cơ quan điều tra vẫn đang dùng mọi biện pháp để triệt để thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo Thiếu tướng Thành, Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của hơn 42.000 nhà đầu tư. 

Thiếu tướng Thành cũng cho hay, đây là số lượng bị hại rất lớn cho nên cơ quan điều tra đã có ủy thác cho công an các tỉnh, thành phố làm việc với các bị hại. Cùng với đó, qua cuộc họp báo, đề nghị các nhà đầu tư sớm đến các cơ quan điều tra làm việc, giúp cơ quan điều tra hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu. Hơn 42.000 bị hại sẽ được bảo vệ quyền lợi.

Chẳng hạn tại vụ án Tập đoàn Tân Hoàng Minh, thiếu tướng Thành cho hay, cơ quan điều tra đang nỗ lực truy thu tài sản theo phương châm ưu tiên thu hồi tài sản cho các nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Theo Thiếu tướng Thành, các nhà đầu tư do thiếu thông tin nên bỏ ra số tiền rất lớn mua trái phiếu, có nhiều khoản tiền họ rất khó khăn mới có được. Chính vì vậy, phương châm của cơ quan điều tra là sẽ bảo vệ bị hại, thu hồi triệt để bằng mọi biện pháp.

Để phục vụ công tác điều tra, đảm bảo quyền lợi của bị hại, C03 đề nghị ai còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu thì đến công an nơi cư trú hoặc nơi làm hợp đồng mua bán trái phiếu để cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn lớn trong năm 2022 và 2023 và thường xuyên có các văn bản đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí, cân đối các nguồn lực tài chính để thanh toán bằng được nghĩa vụ trái phiếu với nhà đầu tư.

Bộ Tài chính cùng Bộ Công an cũng phối hợp để đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc vi phạm để sớm có phương án xử lý thanh toán tiền cho nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp có vi phạm trong thời gian qua.

Trước đó, đầu tháng 10/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc phát hành trái phiếu, huy động tiền của nhà đầu tư, của các công ty, đơn vị liên quan Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và một số đơn vị liên quan.

Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, công an ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam bốn bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bao gồm: Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Hồ Bửu Phương và Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn Bộ Công an cho hay, đây là vụ án rất khó đối với lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình trinh sát, điều tra, khởi tố.

Tướng Xô khẳng định Ban chuyên án đã cân nhắc rất kỹ lưỡng; cân nhắc các yếu tố và mục tiêu của quyết định khởi tố vụ án kể trên nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, để pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh, với phương châm làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực.

Cùng với đó là bảo đảm thị trường trái phiếu, chứng khoán, tài chính, ngân hàng hoạt động lành mạnh, ổn định, bền vững, đúng cơ chế thị trường.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6903530809706616/?