Kim Chi ·
1 năm trước
 1433

Bộ Công Thương nói gì về việc tăng giá điện?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tới lạm phát, đời sống người dân.

Bộ sẽ tính toán kỹ tác động khi tăng giá điện

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 chiều 2/2, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về tiến độ đánh giá tác động, thời điểm dự kiến tăng giá điện trong năm 2023.

Theo ông Hải, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24/2017, nếu thông số đầu vào tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép tăng và giảm tương ứng. Tuy nhiên, do giá điện có tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, nên việc điều chỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

"Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng giá bán điện bình quân của 2023 theo đúng quy trình tại quyết định 24", ông Hải nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Cụ thể, Bộ Công thương đã yêu cầu EVN khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí giá điện 2022, thuê các đơn vị kiểm toán độc lập để đoàn kiểm tra liên Bộ Công thương - Tài chính và nhiều cơ quan khác như VCCI, Hội Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra chi phí và kế hoạch sản xuất điện năm 2023. Đồng thời, tính toán giá bán điện bình quân để trình Bộ Công thương.

Bộ cũng yêu cầu EVN phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán mức tác động của giá điện tới đời sống và kinh tế vĩ mô.

"Chúng tôi khẳng định việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, cân nhắc đầy đủ tới kinh tế, đời sống người dân. Mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh sẽ phù hợp theo các quy định hiện hành, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì mới được thực hiện", Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.

Năm 2022, EVN "ôm" nợ tới gần 29.000 tỷ đồng

Trong báo cáo vừa gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương của EVN, đơn vị này cho biết, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.

EVN thậm chí có thể lỗ nhiều hơn số liệu nói trên nếu như không thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí đầu vào, vận hành tối ưu hệ thống điện.

Nguyên nhân lỗ lớn năm qua chính là thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.

Năm 2022 chứng kiến giá than tăng phi mã, gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh.

Năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN. Song đến nay, phương án này vẫn chưa được thông qua.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Theo GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, giá điện bao gồm 4 thành phần: Giá phát điện, phí truyền tải, phí phân phối và phí dịch vụ phụ trợ. Trong 4 thành phần này, giá phát điện, hay nói cách khác là nguồn điện chiếm tỷ trọng khoảng 65% trong điều kiện của Việt Nam. Tương lai, giá phát điện ngày càng tăng. Ưu thế giá rẻ từ thủy điện của Việt Nam ngày càng giảm. 

"Hiện nay, than lộ thiên đã khai thác hết, chuyển sang khai thác than hầm lò, xuống sâu trong lòng đất, dẫn đến giá than ngày càng cao. Hơn nữa, giá than nhập lại phụ thuộc vào tỉ giá hối đoái. Chưa kể đến những biến động của thị trường năng lượng thế giới.

Vì vậy, khi tăng giá điện, phải dựa trên những tính toán về biến động giá của các loại tài nguyên này, cộng với tỉ giá ngoại tệ. Giá nguyên liệu tăng, nhân công tăng, tỉ giá hối đoái cũng tăng thì phải tính toán tăng giá điện ở mức độ phù hợp", ông nói.