Thành Phong ·
1 năm trước
 9263

Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm cho 60 dự án NLTT chuyển tiếp

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến ngày 16/9/2023, có 60 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 3.331,41MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm, tăng thêm 2 dự án so với tuần trước.

Cụ thể, đến ngày 16/9/2023, đã có 80/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.497,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó, có 67 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.849,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).

EVN và chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 62/67 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 60 dự án với tổng công suất 3.181,41 MW, tăng thêm 2 dự án (Nhà máy Điện gió số 2 - Sóc Trăng và Nhà máy Điện gió HBRE Hà Tĩnh) so với thống kê ngày 8/9.

Số lượng dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới là 20 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 1.171,72 MW, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MWac); Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 7; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre; Nhà máy điện gió Hanbaram; Nhà máy điện gió Bình Đại; Nhà máy điện gió Hòa Đông 2; Nhà máy điện gió Viên An; Nhà máy điện gió Bình Đại số 2, Bình Đại số 3; Nhà máy điện gió Tân Ân 1 - Giai đoạn 2021-2025; Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2; Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai.

Cũng theo EVN, đến thời điểm hiện tại, có 23 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Như vậy, hiện còn 5 dự án điện chuyển tiếp với tổng công suất 236,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Tình hình đám phán giá điện của 85 dự án năng lượng tái tạo.

Cân đối cung - cầu điện năm 2024

Về tình hình cung ứng điện, EVN cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 186,4 tỷ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 3 tháng đầu năm, tình hình cung ứng điện được đảm bảo khi phụ tải thấp hơn cùng kỳ năm 2022, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng cao. Bước sang tháng 4, tình hình vận hành hệ thống điện thay đổi nhanh chóng: phụ tải tăng cao; lưu lượng nước về các hồ giảm thấp đột ngột; các nguồn nhiệt điện than bị sự cố nhiều (gồm cả các sự cố kéo dài và sự cố ngắn ngày), một số nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than, dẫn đến sụt giảm mực nước các hồ thủy điện, đặc biệt là các hồ thủy điện lớn miền Bắc. Đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải các địa phương khu vực miền Bắc để đảm bảo an toàn hệ thống điện.

Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, từ ngày 23/6/2023 cho đến nay, tình hình cung ứng điện về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu, không phải thực hiện tiết giảm điện.

EVN dự kiến, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong các tháng còn lại (9-12) trong khoảng 95,6 - 97,2 tỷ kWh, tăng trưởng 9,95-11,8% so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế cả năm 2023 ước đạt 281,96 - 283,6 tỷ kWh (chưa tính sản lượng phụ tải tiết giảm), tăng 5,1-5,7% so với năm 2022 và đạt khoảng 99,12% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.

Về thủy văn, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã tính toán cập nhật với 3 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.

"Với cả 3 kịch bản tính toán, nhìn chung, với việc đảm bảo cung ứng than cho phát điện, sự cố các nhà máy nhiệt điện được khắc phục dần, nước về các hồ chứa thuỷ điện được cải thiện, có thể nhận định công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân tuy ở một số thời điểm công suất dự phòng miền Bắc ở mức thấp do bố trí lịch sửa chữa các nhà máy nhiệt điện (để chuẩn bị cho phát điện mùa khô năm sau)", báo cáo của EVN nhận định.

Đối với năm 2024, EVN cho biết đã tính toán cân đối cung - cầu điện năm 2024 với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện.

Kịch bản 1 là nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường (tương ứng tần suất 65%).

Kịch bản 2 là lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023, tương ứng tần suất ~90%.

Theo EVN, trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng cung ứng điện, tuy nhiên do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các ngày nắng nóng. Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm tháng 6, tháng 7. Khi đó sẽ cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của 1 số khách hàng sử dụng nhiều điện sang thời điểm ngoài cao điểm.

Đánh giá công tác cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm 2023 về cơ bản sẽ được đảm bảo, song Bộ Công Thương vẫn cho rằng phải tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp về vận hành, tiết kiệm điện và đẩy nhanh tiến độ đưa các công trình nguồn, lưới truyền tải vào khai thác để chủ động ứng phó những điều kiện xếp chồng bất lợi trong cung ứng điện có thể xảy ra trong thời gian những tháng cuối năm 2023.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6853640074695690/