Rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đưa ra đề xuất giảm thời gian điều chỉnh giá điện tăng/giảm 3 tháng/lần, thay vì 6 tháng như hiện nay. Góp ý đề dự thảo mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đồng tình với giá bán lẻ điện giảm nếu chi phí đầu vào giảm 1%. EVN cũng sẽ được phép điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần nếu chi phí đầu vào tăng 3% trở lên.
Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng một kWh, áp dụng từ 4/5/2023. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã đưa ra phương án điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng một lần.
Theo đó, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, EVN sẽ giảm giá điện. Nếu giá điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được tăng giá ở mức tương ứng.
EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát. Trường hợp giá điện tăng từ 5% đến dưới 10%, thẩm quyền quyết định tăng giá sẽ do Bộ Công Thương quyết định.
Còn với mức tăng giá bán lẻ bình quân trên 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
EVN cũng đồng ý với tần suất điều chỉnh giá tối thiểu 3 tháng một lần và mức tăng hoặc giảm giá điện bình quân trong khung giá do Thủ tướng quy định. Việc kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện hằng năm do Bộ Công Thương chủ trì, trên cơ sở báo cáo chi phí sản xuất, tài chính của công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã kiểm toán độc lập của EVN.
3 tháng điều chỉnh một lần liệu có phù hợp
Theo Bộ Công Thương, đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần như hiện nay là phù hợp với quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đề cập đến chu kỳ điều chỉnh giá điện, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I/2022. Chí phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện tăng theo giá thế giới làm chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của tập đoàn. Do đó, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện vào các năm 2022, 2023 để đảm bảo dòng tiền, tình hình tài chính. Với biến động thông số đầu vào (chủ yếu là giá nhiên liệu), kết quả tính toán cho thấy giá điện cần điều chỉnh tăng ở mức tương đối cao để đảm bảo dòng tiền cho EVN.
“Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 cũng như 2023, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến là cần nghiên cứu, điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh điều hành giật cục, tránh gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, trong dự thảo đã đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bán điện xuống còn 3 tháng/lần; việc điều chỉnh này phù hợp với quy định hiện nay, bởi theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg đã quy định, thì EVN phải cáo cáo, tính toán giá điện cập nhật hàng quý…
Về lộ trình thực hiện giá điện hai thành phần, giảm bù chéo trong giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, lộ trình sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, đảm bảo tránh gây biến động quá lớn trong việc thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhưng vẫn giải quyết được những vấn đề cấp thiết mà dư luận và người dân đặt ra trong thời gian qua, cụ thể như sau: Bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho sản xuất.
Gộp giá bán điện theo các cấp điện áp để phù hợp với thực tế phát triển lưới điện tại các Tổng Công ty Điện lực; bổ sung cơ cấu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp điện áp 220 kV trở lên để phù hợp với thực tế phát triển khách hàng và đảm bảo giá điện phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện; bổ sung cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng trạm/trụ sạc xe điện theo nguyên tắc giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh cho ngành điện.
Trong giai đoạn 2, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với EVN theo dõi, cập nhật số liệu, đánh giá ảnh hưởng của phương án đề xuất tại Đề án (theo nguyên tắc giá phản ánh đủ chi phí) tới tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân, xây dựng lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định…
Phải thận trọng xem xét
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, giá điện được điều chỉnh chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất. Vì thế, nên để chu kỳ điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần là biên độ vừa. Lý do, hiện nay ngành Điện vẫn còn mang dáng dấp độc quyền, thiếu sự cạnh tranh. Vì thế, nếu thông qua dự thảo thì cần phải cho thêm các nhà đầu tư vào ngành điện để tạo sự cạnh tranh.
Về vấn đề này, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân cho rằng, theo phương án mới nên được áp dụng đúng. Tham vọng của các nhà quản lý là muốn đưa mặt hàng điện điều tiết theo thị trường, theo tín hiệu thị trường. Chỉ cần làm đúng quy định này là ổn, tránh sự xáo trộn, hoang mang cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề tăng giảm giá điện để doanh nghiệp chủ động được việc tính chi phí vào giá thành sản phẩm ổn định. Với việc phân cấp sẽ chủ động cho ngành điện vì độ trễ về mặt chính sách sẽ không xảy ra nữa. Doanh nghiệp sẽ chủ động tăng, giảm giá thành của sản phẩm, dịch vụ. Còn với người tiêu dùng, giá điện điều chỉnh vẫn trong khung giá sẽ không gây ra sự biến động quá lớn.
PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện nay, việc tính toán giá thành cho các yếu tố đầu ra, đầu vào, lương thưởng... vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch. Do vậy, nếu giao thẩm quyền cho EVN cứ 3 tháng 1 lần được điều chỉnh giá điện thì cần phải thận trọng trong việc xem xét.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, việc giảm thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện xuống còn 3 tháng và quy định điều chỉnh giá có tăng có giảm sẽ dần xoá bỏ tình trạng giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sản xuất, đảm bảo có lãi trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6761250700601295/