Nếu giảm sẽ áp dụng chung cho cả ô tô trong nước và nhập khẩu
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị đề xuất giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Theo Bộ Tài chính, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã 2 lần xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung…Tuy nhiên, chính sách này lại được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế”, Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính không đồng ý đề giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô.
Theo Bộ Tài chính, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ. Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.
Ngoài ra, bộ này cho rằng, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.
“Hiện dịch COVID-19 đã được kiểm soát, do đó việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp”, Bộ Tài chính cho biết.
Doanh số bán hàng giảm tới 51%
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết thúc tháng 1/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 17.314 xe, giảm 51% so với tháng 12/2022 và giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm của thị trường ô tô Việt. Trong tổng số 17.314 xe đã bán được trong tháng 1/2023, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 8.086 chiếc và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 chiếc, lần lượt giảm 54% và 48%.
Doanh số thị trường xe Việt Nam trong các tháng 11,12/2022 và 1,2 của năm 2023. (Nguồn:VAMA)
Các thành viên ngoài VAMA cũng không ngoại lệ trong tháng đầu tiên của năm 2023. Theo báo cáo của TC Motor - đơn vị lắp ráp và phân phối thương hiệu Hyundai, doanh số xe bán ra chỉ đạt 3.496 xe, giảm hơn 173% (6.049 xe) so với tháng 12/2022. VinFast cũng chỉ bán được 385 xe, giảm mạnh tới 3.920 xe so với tháng 12/2022. Nếu tính cả TC Motor (3.496 xe) và VinFast (358 xe), tổng doanh số cũng chỉ là hơn 21.000 xe, giảm gần 28.000 xe so với tháng 12/2022 (49.124 xe), tương đương gần 57%.
Đến tháng 2/2023, theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường cũng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ tháng 2/2022.
Tháng 2/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.040 xe, tăng 33% so với tháng 1/2023, tăng 1% so với tháng 2/2022. Sản lượng tiêu thụ xe du lịch đạt 16.970 chiếc, tăng 21% so với tháng trước; xe thương mại đạt 5.760 chiếc, tăng 81% và xe chuyên dụng đạt 300 chiếc, tăng 188%. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.432 xe, tăng 54% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 10.608 xe, tăng 15% so với tháng trước.
Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 02/2023 giảm 25% so với 2022. Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 28%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 47% so với năm 2022. Doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 38%, trong khi xe nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.