Hồ Hằng ·
1 năm trước
 6854

Bộ Tài chính chỉ đạo nóng sau nhiều vụ gian lận mua bán bảo hiểm

Trước tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn, mới đây, Bộ trưởng Tài chính đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường.

Bộ Tài chính đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo

Thời gian qua, qua phản ảnh của các phương tiện truyền thông cho thấy, tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn.

Về việc này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) triển khai một số nhiệm vụ. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trưởng bảo hiểm. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.

Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.

Cần tổ chức công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên. Phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của NHNN ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm phải phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam, có đánh giá về thực trạng số lượng, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường và đặc biệt là việc tuân thủ các quy định trong hoạt động huy động, đầu tư vốn (nếu có) của các doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính chỉ đạo về vấn đề này, trong năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới bảo hiểm nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm cũng như bảo đảm tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Đặc biệt, tại cuộc họp giao ban Bộ Tài chính tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giao Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm chủ động giám sát chặt chẽ thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Người dân cần hết sức cẩn trọng

Theo TS Phan Phương Nam, bản thân người dân cũng cần có trách nhiệm và đặc biệt cẩn trọng khi ký tên vào các giấy tờ. Trường hợp tới ngân hàng gửi tiết kiệm thì phải có sổ tiết kiệm.

Nếu người tư vấn nói bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm được tặng kèm, thì khách hàng cũng cần phải cầm về sổ tiết kiệm, bất kể nhân viên tư vấn có tìm cách giải thích như thế nào vẫn phải giữ lập trường.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) và luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) đã nêu ra nhiều căn cứ pháp lý cho thấy việc ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ là sai.

Hàng trăm câu hỏi đã được bạn đọc gửi đến, như: Làm thế nào để không bị ép mua bảo hiểm khi vay tiền? Khi bị ép mua rồi giờ muốn chấm dứt có đòi lại tiền được không?...

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn quy định rằng việc mua bảo hiểm nhân thọ là tự nguyện, không ép buộc và bên bán phải giải thích rõ quyền lợi và nghĩa vụ cho bên mua.

Nếu có dấu hiệu bị ép buộc thì hợp đồng bảo hiểm đó là vô hiệu và thậm chí bên bán có thể bị xử lý theo pháp luật.

Luật không cấm các tổ chức tín dụng bán bảo hiểm. Thời gian qua, do có phản ảnh của nhiều khách hàng liên quan đến việc vay vốn bị ép mua bảo hiểm nên Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân tố cáo, khiếu nại hành vi ép mua bảo hiểm, nếu có.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi nếu bị ép mua rồi giờ muốn thanh lý hợp đồng đòi lại tiền thì có được không, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nói rằng hợp đồng đã ký kết và có sự đồng thuận của khách hàng thì cần căn cứ vào nội dung của hợp đồng để xem xét có thể hủy được không. Thông thường, nếu bỏ hợp đồng (sau thời gian 21 ngày cân nhắc) khách hàng sẽ bị mất hầu hết số tiền đã đóng.

Với nhóm câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào để vẫn vay được tiền mà không bị ép mua bảo hiểm thì luật sư cho rằng cần phải xem xét rõ xem hồ sơ của mình có đủ điều kiện để vay không: tài sản thế chấp, thu nhập, mục đích vay tiền... Nếu vẫn bị ép thì thu thập bằng chứng để khiếu nại, như lên đường dây nóng do Ngân hàng Nhà nước lập ra.