Bích Ngọc ·
1 năm trước
 10383

Loạt doanh nghiệp lớn nào tại Hà Nội nợ tiền bảo hiểm?

Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội cho biết, một loạt doanh nghiệp lớn như FPT, Thuốc lá Thăng Long, Sữa Quốc tế,… đang nợ bảo hiểm của người lao đồng với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm tính đến hết ngày 30/1/2023. Theo danh sách trên, đứng đầu bảng là một doanh nghiệp bất động sản tầm cỡ với số lao động lên đến 6.849 người và số tiền nợ 1 tháng Bảo hiểm ở mức hơn 22 tỷ đồng.

Trong Top đầu danh sách doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm có đến 2 doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của FPT. Cụ thể, Công ty TNHH phần mềm FPT Hà Nội (nợ hơn 7,44 tỷ đồng) và Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (nợ hơn 3,75 tỷ đồng).

Một số doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp nước ngoài cũng nằm trong Top đầu danh sách nợ tiền bảo hiểm tại Hà Nội như: Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi - Hanel (nợ hơn 13,7 tỷ đồng); Công ty TNHH Elentec Việt Nam (nợ hơn 5,21 tỷ đồng); Công ty TNHH Manpower Việt Nam (nợ hơn 3,8 tỷ đồng); Công ty TNHH LG Electronics Development Việt Nam (nợ hơn 3,73 tỷ đồng),…

Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội công bố danh sách một loạt doanh nghiệp lớn đang nợ tiền bảo hiểm của người lao động trên địa bàn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực tế, tình trạng doanh nghiệp chậm nộp, thậm chí chây ì, né tránh đóng bảo hiểm không chỉ diễn ra tại Hà Nội mà hiện còn là “vấn nạn” chung đang diễn ra trên cả nước.

Dựa vào số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối tháng 1/2023, các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội là 25.940 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng gần 3.900 tỷ.

Tại hội nghị phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa qua, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, tiền chậm đóng phải tính lãi gần 14.100 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng cường thanh kiểm tra với doanh nghiệp chưa đăng ký đóng hoặc đóng BHXH không đầy đủ, chậm đóng từ ba tháng trở lên. Những công ty cố tình trốn đóng sẽ bị lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Trên thực tế, việc chậm đóng BHXH đang xảy ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp do cố tình chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH. Doanh nghiệp thường né tránh cán bộ Bảo hiểm xã hội thế nhưng sẽ mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra. Được biết, nhiều đơn vị giải thích "chưa kịp đóng chứ không phải cố tình chậm hay trốn". Việc khởi tố tội danh trốn đóng BHXH cũng vướng mắc về chính sách, thẩm quyền.

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nợ tiền bảo hiểm xã hội, vào đầu tháng 2, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết cho hơn 206.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH.

Được biết, họ là lao động trong gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn. Nợ đọng nhiều năm với số nợ BHXH khoảng 3.500 tỷ đồng tính đến tháng 9/2022 và hầu như không thể thu hồi.

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, việc nợ đóng, chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.