Tăng phí để hạn chế khai thác manh mún
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo nghị định của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Thực hiện Luật Phí và lệ phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 về phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khai thác khoáng sản. Qua tổng kết cho thấy chính sách thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản đã góp phần vừa đảm bảo thống nhất trong quản lý, vừa tạo sự linh hoạt trong thực hiện chính sách phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.
Về khung mức phí đối với khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường, tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định mức thu phí đối với khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường, mức phí từ 1.000 đến 7.000 đồng/m3.
Bộ Tài chính đề nghị tăng 150% phí BVMT đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Trong những năm vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường quản lý khai thác khoáng sản. Trong đó, để khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông, tại Chỉ thị số 38/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (bao gồm chính sách phí) đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông.
Để hạn chế khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó bao gồm cả cát trắng để bảo đảm đồng bộ). Mức phí đề xuất từ 1.500 đến 10.500 đồng/m3.
Riêng đối với nhóm khoáng sản “đá nung vôi, làm xi măng và làm khoáng chất công nghiệp theo quy định của pháp luật khoáng sản (Serpentin, barit, bentonit)”: Theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản thì chỉ “đá nung vôi” thuộc khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Các khoáng sản còn lại không thuộc khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Vì vậy, để hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng 150% mức phí tối đa, giữ mức phí tối thiểu như quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP đối với nhóm khoáng sản “đá nung vôi, làm xi măng và làm khoáng chất công nghiệp theo quy định của pháp luật khoáng sản (Serpentin, barit, bentonit)”.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng mức thu phí đối với khai thác cát, sỏi đá làm vật liệu xây dựng thông thường; đá làm xi măng, đá nung vôi và đá làm khoáng chất công nghiệp sẽ hạn chế khai thác đối với loại khoáng sản này và khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế, thân thiện với môi trường, phù hợp với chiến lược phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, dự thảo nghị định quy định thực hiện kê khai và nộp phí theo số lượng thực tế khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ là đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp khai thác, tránh gian lận và giảm sự khác biệt trong công tác thu phí giữa các địa phương có cùng đối tượng khoáng sản được khai thác.
Tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh tăng 150% mức phí tối thiểu và mức phí tối đa đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó bao gồm cả cát trắng để bảo đảm đồng bộ). Mức phí đề xuất từ 1.500 đến 10.500 đồng/m3.
Hà Nội tăng mức thế BVMT đối với 8 loại khoáng sản
Vừa qua, HĐND Thành phố cũng đã thông qua Nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, sửa đổi mức thu phí tại điểm b khoản 4 Phần B Danh mục các khoản phí và lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND thành phố Hà Nội về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND Thành phố, như sau:
Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 8.000 đồng/m3. Các loại đá khác (Đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan): 48.00 đồng/m3. Các loại cát khác (Cát san lấp, cát xâ dựng...): 7.600 đồng/m3. Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình: 3.200 đồng/m3. Đất sét, đất làm gạch, ngói: 3.200 đồng/m3. Cao lanh: 11.200 đồng/m3. Nước khoáng thiên nhiên: 4.800 đồng/m3. Than bùn 16.000 đồng/tấn.
Đối với trường hợp khoáng sản không có trong danh mục nêu trên thì áp dụng mức thu tối đa theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Theo tờ trình của UBND Thành phố, hiện nay, thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội dần cạn kiệt, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là các hoạt động về khai thác cát, đất đá. Trong khi đó, quy định về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoảng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội không thay đổi trong thời gian dài.
Việc thu của phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện nay đã không còn phù hợp, cần thiết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng điều chỉnh tăng mức thu phí hiện hành, theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 115/2020/QH14, đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường và vị thế của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, việc tăng mức thu phí cũng tạo được nguồn thu ngân sách từ khoản thu phí để đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.
Nguồn: Kinh tế Môi trường