Xe máy vẫn là nguồn gây tai nạn lớn nhất
Bộ Tài chính mới đây có văn bản trả lời loạt kiến nghị cử tri của loạt địa phương Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu… về quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với chủ xe cơ giới.
Cử tri các đại phương này đều đề xuất bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm đối với mô tô, xe gắn máy; chuyển sang hình thức mua tự nguyện và cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm soát, đơn giản hóa việc chi trả bồi thường bảo hiểm khi xảy ra tai nạn.
Các cử tri cũng cho rằng đây chỉ là hình thức đối phó với công an giao thông, còn thực tế nếu xảy ra tai nạn, thủ tục phức tạp và số tiền bồi thường không đáng kể.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ ô tô, mô tô, xe máy. Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore... có quy định việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Theo Bộ Tài chính, xe máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu, là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Theo Bộ này, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam đến nay đã được hơn 30 năm. Hiện xe máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu, là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Riêng về bảo hiểm bắt buộc xe máy năm 2021, số lượng xe được bảo hiểm là 12,4 triệu xe (giảm 3% so với năm 2019). Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm và dự phòng nghiệp vụ là 1.040 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm cả dự phòng nghiệp vụ là 11%.
Bộ này cho biết Cục quản lý Bảo hiểm đang trong quá trình xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc, căn cứ tình hình thực tiễn, ý kiến đề xuất của các bên liên quan.
Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như: bổ sung quy định giảm phí bảo hiểm; tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%; thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; tiếp tục đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm; bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với mô tô, xe gắn máy.
Tỷ lệ chi trả bảo hiểm rất thấp
Theo Luật sư Nguyễn Minh Tường (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lại cho rằng hiện nay do bảo hiểm xe máy là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông. Nếu người điều khiển xe không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) còn hiệu lực thì bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019, khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021).
“Trên thực tế người dân mua bảo hiểm chỉ để đối phó khi gặp CSGT, để không bị phạt là chính” - luật sư Tường cho hay.
Cũng theo luật sư Tường, theo số liệu mà VCCI đã công bố thì tỉ lệ chi trả bảo hiểm loại hình này ở mức rất thấp (chỉ gần 6% trong năm 2021) nên có thể nói mục đích của loại hình bảo hiểm xe máy hiện nay là chưa đạt và không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. “Do đó, tôi cho rằng đề xuất của VCCI về việc bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là hợp lý và phù hợp với thực tế” - luật sư Tường nhận định.
Luật sư Tường cũng lưu ý nếu đề xuất của VCCI được chấp nhận, các cơ quan chức năng cũng phải sửa đổi các quy định để đảm bảo tính đồng bộ, không coi đó là giấy tờ bắt buộc phải có khi tham gia giao thông.
Quy định về bảo hiểm xe máy Bảo hiểm xe máy (bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đối với bên thứ ba) quy định tại Nghị định 03/2021 và Thông tư 04/2021 của Bộ Tài chính. Bảo hiểm thay chủ xe/tài xế thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại khi gây tai nạn (bên thứ ba), không bảo hiểm cho bản thân người lái xe và chiếc xe. Mức trách nhiệm như sau: Về người: 150 triệu đồng/người/vụ. Không hạn chế số người/vụ và số vụ/năm. Về tài sản: 50 triệu đồng/vụ, nếu gây thiệt hại cho nhiều người bảo hiểm cũng chỉ bồi thường tối đa 50 triệu đồng/vụ. Không hạn chế số vụ/năm. Để được bảo hiểm bồi thường phải thỏa mãn ba điều kiện: Chủ xe/tài xế có lỗi gây thiệt hại; chủ xe/tài xế đã hoặc sẽ phải bồi thường cho bên thứ ba; thiệt hại không nằm trong các điểm loại trừ bảo hiểm. Khi phát sinh trách nhiệm, bảo hiểm bồi thường như sau: Đối với thiệt hại về người: Số tiền bồi thường = % tỉ lệ thương tật x 150 triệu đồng. Trường hợp bên thứ ba tử vong, số tiền bồi thường tối đa 150 triệu đồng. Bồi thường thiệt hại về người không tính lỗi, trường hợp lỗi hoàn toàn do bên thứ ba bảo hiểm trả tối đa 50% mức trách nhiệm về người (tương đương 75 triệu đồng). Đối với thiệt hại về tài sản: Số tiền bồi thường = thiệt hại của bên thứ ba x % lỗi của chủ xe/tài xế. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại về người và tài sản không vượt quá số tiền chủ xe/tài xế đã bồi thường cho bên thứ ba và không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm. |