Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7227

4 doanh nghiệp bảo hiểm bị sờ gáy, nạn ép mua bảo hiểm khi vay tiền liệu còn hoành hành?

Chiều muộn ngày 21/2, Bộ Tài chính gửi thông tin báo chí về đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm. Bộ Tài chính thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm, hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Theo đó, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm.

Năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Trong đó, dự kiến việc thanh tra, kiểm tra thực hiện ở doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Thời gian qua, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng phát triển nhanh, có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Được biết, hoạt động này chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Tuy nhiên, chính việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Cụ thể, có hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Có thể thấy, hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc "tự nguyện" được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Từ đó, Bộ Tài chính chủ động làm việc với Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng. Phối hợp thanh tra, kiểm tra để đảm bảo việc ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghiêm quy định pháp luật, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm và sẽ phối hợp xử lý nghiêm các vi phạm của cả ngân hàng thương mại cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nếu có.

Cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ, chủ động cung cấp thông tin theo thẩm quyền và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, đồng thời đảm bảo việc tổ chức tín dụng tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, thời gian qua  Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo các tổ chức tín dụng về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm. Tuy vậy, tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt, gây bức xúc cho người dân.

Gần đây, một số khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) phản ánh bị ngân hàng “hô biến” tiền gửi tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty TNHH Manulife Việt Nam. Hiện vụ việc này đã được Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra.

Mọi doanh nghiệp, người dân khi phát hiện hoặc bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm nhân thọ có thể phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước theo số điện thoại đường dây nóng hoặc email của Ngân hàng Nhà nước.