Thục Nghi ·
3 năm trước
 3492

Bộ TN&MT: Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia cho mục tiêu phát triển bền vững

Việc xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm mô tả bức tranh tổng thể về tài nguyên nước Việt Nam, đồng thời bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mới đây, Bộ TN&MT đang hoàn thiện Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia. Một trong các mục tiêu của Đề án là hướng tới nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia ở Việt Nam lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trong khu vực vào năm 2045.

Theo đánh giá của Cục Quản lý tài nguyên nước, tiềm năng tài nguyên nước Việt Nam khoảng 830 - 840 tỉ m3. Tuy nhiên, an ninh nguồn nước ở nước ta đang đứng trước nguy cơ không được đảm bảo do phụ thuộc nguồn nước từ nước ngoài chảy vào (60%); dòng chảy phân bố không đều không gian, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long (khoảng 57%), sông Hồng - Thái Bình (16%), còn lại phân bố ở các lưu vực sông khác; dòng chảy mùa cạn chiếm từ 10 đến 15%; nguồn nước mặt còn chịu tác động từ khai thác, sử dụng ở thượng nguồn bên ngoài biên giới, chịu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm gia tăng.

Cùng với đó, nguồn nước dưới đất tiềm năng khoảng 63 tỉ m3. Nguồn nước hiện đang được khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội khoảng 84 tỉ m3/năm, nhu cầu dùng nước ở nước ta tăng 32% (khoảng 111 tỉ m3/năm) vào năm 2030 và nguy cơ mất đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng gia tăng nếu không kịp thời có đánh giá và các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia

Việc xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho thấy, các mối đe dọa về nước đối với Việt Nam sẽ tác động tổng thể lên GDP với ước tính giảm 5,96% hàng năm nếu không kịp thời có giải pháp.

Năm 2020, Báo cáo “Giám sát an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập” của Ủy ban Khoa học Quốc hội cũng đã chỉ rõ một số thách thức ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước tại Việt Nam như: chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nước; chưa đảm bảo về cấp nước, an toàn hồ chứa, phụ thuộc nguồn nước ở nước ngoài, ô nhiễm, xâm nhập mặn... Chính vì vậy, xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm mô tả bức tranh tổng thể về tài nguyên nước Việt Nam, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 là giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; khắc phục có hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo…

Ngoài ra, cần nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cải thiện việc cung cấp dịch vụ cấp nước đô thị, nông thôn, nâng tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt khoảng 95 - 100%, nông thôn đạt khoảng 93 - 95%; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu…

Đặc biệt, Đề án nhấn mạnh: “Phải coi sản phẩm nước là hàng hoá, đồng thời tiếp tục khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra và nâng cao giá trị của nước”.

Bởi nguồn nước ở Việt Nam có nguồn gốc từ bên ngoài lãnh thổ nên việc hợp tác, chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng và hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển nguồn nước liên quốc gia phải thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia nhằm đạt được việc sử dụng tối ưu và bền vững lợi ích do nguồn nước mang lại.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trong vòng 25 năm tới, trước thực trạng dân số ngày càng gia tăng, trong đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại 3 lưu vực sông lớn: Hồng - Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai, dự kiến nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi. Với tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Đồng Nai).

Kiến nghị các biện pháp tăng cường an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, trước hết, Việt Nam cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước qua phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông. Cùng với đó, tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, hiện đại hóa tạo ra các hạ tầng nước thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu để nâng mức đảm bảo và hiệu quả sử dụng nước của các hệ thống công trình tưới tiêu, cấp thoát nước, công trình phòng chống thiên tai.

Nguồn