Bùi Anh ·
1 năm trước
 5619

Bước tiến mới kiểm soát khai thác khoáng sản bằng công nghệ viễn thám

Các nhà khoa học của Cục Viễn thám quốc gia vừa nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ kết hợp ảnh viễn thám và ảnh UAV trong giám sát kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam.

Được biết, đây là cải tiến mới trong công tác giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản bằng ứng dụng công nghệ số, mang lại hiệu quả cao về kinh tế , tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian và sức lực của người lao động.

Theo bà Lê Minh Huệ, Phó Giám đốc Đài Viễn thám Trung ương, Chủ nhiệm đề tài, công nghệ viễn thám ngày càng phát triển, đa dạng với nhiều loại thông tin, dữ liệu có tần suất cao, đa thời gian, đa độ phân giải, độ phủ rộng trên phạm vi lãnh thổ, thời gian truyền dữ liệu đạt tới gần thời gian thực; cho phép tiếp cận các vùng sâu, vùng xa, nguy hiểm mà con người khó hoặc không thể tiếp cận bằng các phương pháp truyền thống.

Bên cạnh đó, với thế mạnh về tính khách quan, chính xác về địa hình địa vật, quan trắc và giám sát bề mặt trái đất với chi phí thấp, công nghệ viễn thám đã được ứng dụng phổ biến, hiệu quả trên thế giới để quan trắc, giám sát bề mặt Trái đất. Đặc thù thông tin từ tư liệu viễn thám rất nhạy cảm và quan trọng, có liên quan chặt chẽ tới hoạt động kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh , chính vì vậy, việc kết hợp giữa ảnh viễn thám và ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái (UAV) để nhận biết sự thay đổi bề mặt Trái đất nói chung và diễn biến hoạt động khai thác khoáng sản nói riêng là sự hỗ trợ tích cực cho công tác thanh tra kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản.

Giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản bằng công nghệ viễn thám. (Ảnh minh họa)

Trong khuôn khổ Dự án sản xuất thử nghiệm “Giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản tại một số tỉnh trọng điểm phía Bắc bằng công nghệ kết hợp ảnh viễn thám và ảnh chụp từ thiết bị bay không người lái”, Nhóm nghiên cứu đã phân tích ảnh viễn thám về tinh và ảnh UAV theo phương pháp kỹ thuật số, kết hợp phương pháp chuyên gia để xác định diễn biến hoạt động khai thác khoáng sản theo đơn vị tỉnh.

Cùng với đó, kiểm chứng, đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ kết hợp ảnh viễn thám vệ tinh và ảnh chụp từ thiết bị không người lái (UAV) để xác định vùng khai thác mới xuất hiện định kỳ với tần suất cần thiết.

Đặc biệt, Nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu (CSDL) giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản toàn miền Bắc, trong đó có các lớp thông tin được chiết tách từ ảnh Landsat, ảnh vệ tinh phân giải cao và ảnh UAV về hoạt động khai thác khoáng sản. Bộ CSDL này sẽ là nguồn thông tin phục vụ giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản và được cập nhật đa thời gian để theo dõi diễn biến của vùng hoạt động khoáng sản. Theo đó, CSDL về giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản được thiết lập bao gồm: 7 lớp thông tin địa lý, một lớp về ranh giới vùng cấp phép khai thác khoáng sản và các lớp về khoanh vi diện tích vùng khai thác khoáng sản chiết tách từ ảnh vệ tinh và ảnh UAV.

Thông qua CSDL sẽ thiết lập hệ thống bảng đánh giá, thống kê về diện tích khai thác khoáng sản đúng phép, vượt phép và khai thác trái phép giúp nhanh chóng phát hiện các khu vực nghi ngờ có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở vị trí khó có khả năng tiếp cận bằng đường bộ thấp hoặc khu vực bị che chắn tầm nhìn, giúp các cơ quan chức năng có một công cụ độc lập, giảm sự phụ thuộc hoàn toàn vào phát hiện của người dân hoặc cán bộ thanh tra, kiểm tra.

Đánh giá về hiệu quả Dự án, ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia cho rằng, sản phẩm của Dự án không những tạo ra bước tiến về công nghệ, cải thiện trong lĩnh vực kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản mà còn mang lại hiệu quả trong bảo vệ tài nguyên, cảnh báo và phòng chống những hoạt động tự phát của người dân dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi làm ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội và gây ra tác hại xấu đến đời sống con người.

Đối với Cục Viễn thám quốc gia, Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc cải thiện công nghệ, nhất là thu nhận và xử lý ảnh vệ tinh và chụp ảnh bằng thiết bị UAV phục vụ nhiệm vụ theo dõi, giám sát tài nguyên và môi trường. Các quy trình công nghệ đã được kiểm chứng sẽ mang lại tính thực tiễn cao có thể áp dụng trực tiếp vào thực tế, giúp giảm thiểu tối đa sức lao động của con người, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản. Đặc biệt, thành quả của nghiên cứu sẽ trở thành công cụ hữu ích cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản thuộc Bộ TN&MT nói riêng và các ngành kinh tế trọng điểm nói chung.

Theo: Tài Nguyên & Môi trường