Tạ Nhị ·
34 tuần trước
 8161

Bước tiến theo thời gian của quy hoạch khu đô thị sông Hồng

Quy hoạch sông Hồng trở thành dấu mốc lịch sử, từng bước để thành phố Hà Nội trở thành những đô thị lớn.

Trước và trong thời kỳ phong kiến, sông Hồng giữ vai trò là tuyến giao thông và giao thương quan trọng của Hà Nội. Lúc này, hai bên sông chưa có nhiều dân cư sinh sống. Theo thời gian, nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng, các làng xóm và khu dân cư hai bên sông Hồng dần hình thành.

Để bảo vệ các khu dân cư đô thị khỏi lũ, lụt, hệ thống đê điều hai bên tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng được xây dựng và thường xuyên gia cố. Tuy nhiên, điều này đã vô tình tạo nên sự ngăn cách giữa sông Hồng với không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện đại.

Nhận thức giá trị quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của sông Hồng, đã có nhiều đồ án, dự án, đề tài nghiên cứu được triển khai nhằm mục đích cải tạo dân cư khu vực, kết nối giao thông hai bờ sông, trị thủy sông Hồng.

Phối cảnh dự án Thành phố thông minh tại huyện Đông Anh.

Mới đây nhất, Thủ tướng chính phủ đã Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, Hà Nội sẽ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Đồng thời, xây dựng 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố phía Bắc gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm Hòa Lạc, Xuân Mai.

Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội gửi HĐND thành phố về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô.

Với thành phố phía Bắc, Hà Nội định hướng chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh, một số khu vực được phép phát triển cao tầng, hiện đại, xanh, kết hợp bảo tồn phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa, sông Thiếp…

Vị trí đề xuất trung tâm thành phố dự kiến tại khu vực phía Nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, rất gần trung tâm lớn như Smart City, Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa… với định hướng chính là xây dựng thành phố mới, đô thị hiện đại, đô thị thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội Bài, giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam của Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng.

Thành phố dự kiến khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía Bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cùng các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Ngày 13/6, tại cuộc họp Thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Quy hoạch cần đặt ra tiêu chí, nguyên tắc, yêu cầu đối với việc xây dựng, chỉnh trang, cải tạo ở các khu đô thị hiện hữu, phát triển khu đô thị mới phù hợp với hình thái quy hoạch - kiến trúc đặc trưng cho đô thị Hà Nội; xác lập vành đai khu vực nông thôn, thành thị đúng bản sắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.”

Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Quy hoạch Hà Nội được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; là động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

1994: Dự án khu đô thị ven sông Hồng được phía nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở khu vực An Dương.

2000: Nghị quyết số 15/NQTW tháng 12.2000 của Bộ Chính trị đã có nội dung: “Sớm nghiên cứu việc chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch khai thác hai bên sông”

2006: Hà Nội nhận được sự giúp đỡ của Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng.

2007: Dự án thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô với tổng mức đầu tư 7 tỉ USD

2011: Quyết định 1259 của Thủ tướng xác định: Khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô.

2012: Hà Nội ban hành Quyết định số 4770/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉ lệ 1/5000 Phân khu đô thị sông Hồng.

2013: Luật Thủ đô 2013 đã có nội dung đề cập đến tạo lập không gian cảnh quan hai bên sông Hồng.

2015: TP.Hà Nội phê duyệt Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội: Đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

2016: Hà Nội đã có ý định quy hoạch lại khu đất khổng lồ dọc 2 bên bờ sông Hồng. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận Tây Hồ và Ba Đình thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến việc triển khai dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City)

2017: TP.Hà Nội giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc (QH&KT) là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

2020: Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội thông báo: Quy hoạch sông Hồng cũng đã được ký đồ án sơ bộ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi lên UBND thành phố xem xét, ký gửi xin ý kiến Bộ NNPTNT.

2021: Thường trực thành uỷ Hà Nội thống nhất các định hướng lớn vào Quy hoạch phân khu sông Hồng.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6781373595255672/