Thành Phong ·
1 năm trước
 7900

Các đô thị vệ tinh Thủ đô giờ ra sao?

Thực trạng các đô thị vệ tinh đang cách xa so với quy hoạch khiến các mục tiêu 2030 nguy cơ lỗi hẹn.

Theo đồ án quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm. Đến nay, dù hệ thống giao thông hướng tâm và vành đai đã hình thành nhưng hầu hết phân khu đô thị vẫn trong tình trạng bất động.

Hình ảnh 3D đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Đô thị Hòa Lạc (phía Tây Hà Nội, cách Hồ Hoàn Kiếm gần 40 km), nằm phần lớn trên huyện Thạch Thất, được quy hoạch có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo, trọng tâm là ĐH Quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao.

Mục tiêu được xác định là phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện ngoại thành. Đây cũng là cơ sở để quản lý phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Đô thị Hòa Lạc được phân thành 7 khu vực chức năng chính gồm: Khu Đại học Quốc gia Hà Nội (khu HL1); Khu Công nghệ cao (khu HL2); Khu vực Đô thị sinh thái (khu HL3, HL4, HL5); Khu vực đô thị Phú Cát - Hòa Thạch (khu HL6); Khu vực sân bay Hòa Lạc (khu NN1); Khu vực nông nghiệp (thuộc vành đai xanh xung quanh vùng nội đô - khu NN2, NN3, NN4, NN5); Khu vực Viên Nam (thuộc vành đai xanh xung quanh vùng nội đô - khu ST).

Về định hướng tổ chức phát triển không gian, đô thị Hòa Lạc có mô hình phát triển gồm 2 vùng chính là vùng phát triển đô thị (lõi đô thị), có quy mô diện tích khoảng 7.450,08 ha (chiếm 43,1%) và vùng vành đai xung quanh đô thị (là phần còn lại trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc), có quy mô diện tích khoảng 9.823,92 ha (chiếm khoảng 56,9%).

Thế nhưng trải qua hơn 10 năm triển khai, hiện đô thị vệ tinh Hoà Lạc mới chỉ thu hút được một vài doanh nghiệp tiên phong như Viettel, VNPT, FPT... trong khi công trình xây dựng trọng điểm trường Đại học Quốc gia Hà Nội còn dở dang, chưa hoàn tất GPMB, khiến người dân tại đây phải sống trong cảnh thấp thỏm bởi nhà cửa xuống cấp, xập xệ nhưng không được phép sửa chữa, cải tạo.

Đô thị Sóc Sơn (nằm phía Bắc, cách Hồ Gươm 30 km), theo kỳ vọng sẽ phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng cảnh quan núi Sóc, chân núi Tam Đảo.

Theo quy hoạch, khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn gồm 5 phân khu. Phân khu 1 thuộc địa giới hành chính các xã: Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình và thị trấn Sóc Sơn. Diện tích đất lập quy hoạch khoảng 625ha; có tính chất là trung tâm của huyện với các chức năng hành chính chính trị, quảng trường, công viên cây xanh đô thị, khu trung tâm thương mại tài chính và dịch vụ, bảo tàng, nhà hát... Đây là khu vực đô thị hiện hữu chỉnh trang kết hợp phát triển đô thị mới.

Phân khu 2 thuộc các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Đông Xuân. Diện tích hơn 425ha, có tính chất là khu vực đô thị mới kết hợp cải tạo chỉnh trang làng xóm hiện có; là một phần không gian của quảng trường trung tâm đô thị vệ tinh; là khu vực thương mại, dịch vụ và các chức năng công cộng, phụ trợ hỗn hợp gắn với Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, ga Đa Phúc.

Phân khu 4 thuộc các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến với quy mô khoảng 554ha, tính chất là cụm công nghiệp tập trung, gồm khu công nghiệp Nội Bài, các cụm công nghiệp CN2 và CN3, khu nhà ở công nhân và công trình công cộng; khu dân cư làng xóm được giữ lại chỉnh trang, cải tạo.

Phân khu 5 (khu vực hồ Đồng Quan và phụ cận) thuộc các xã: Quang Tiến, Phù Linh, Mai Đình, Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn, quy mô khoảng 1.340ha, có chức năng là các khu vực đô thị, gồm khu ở mới, công trình công cộng, giáo dục, y tế, thương mại, khách sạn và văn phòng; các khu vực làng xóm hiện hữu; khu vực an ninh quốc phòng.

Phân khu 6 thuộc địa giới hành chính các xã: Đông Xuân, Mai Đình, Phù Lỗ, có diện tích quy hoạch khoảng 523ha, tính chất gồm các cụm công nghiệp vừa và nhỏ và những khu vực làng xóm hiện hữu, công viên cây xanh sinh thái gồm hai khu vực. Trong đó, khu vực trong phạm vi xây dựng đô thị gồm các chức năng công cộng, hỗn hợp phục vụ khu đô thị đại học và dịch vụ phụ trợ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Tuy nhiên, trung tâm huyện Sóc Sơn đến nay chưa có dấu hiệu hình thành của một trục đô thị sầm uất. Ngoài một sân golf, chân núi Sóc chưa có cơ sở hạ tầng nào cho thấy chức năng một khu dịch vụ, vui chơi giải trí phát triển.

Đô thị Phú Xuyên (phía Nam, cách trung tâm hơn 30 km) được quy hoạch phát triển công nghiệp, trung chuyển hàng hóa, xây dựng các cụm công nghiệp để di dời nhà máy từ nội đô, hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng...

500 ha là diện tích để phát triển hạ tầng khu công nghiệp và 150 ha cho phát triển đô thị đã được quây rào chắn và xây cơ sở hạ tầng, nhưng các nhà liền kề, nhà máy chưa được xây dựng.

Khu đô thị Phú Xuyên, nằm sát trục cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nhiều năm qua chỉ dừng lại ở việc xây dựng một ngôi nhà điều hành và thành bến bãi của các loại xe tải chở hàng, nơi tập kết vật liệu. Người dân khu vực vẫn canh tác, cấy lúa trên những khu đất quy hoạch.

Đô thị Xuân Mai (phía Tây Nam Hà Nội, cách trung tâm gần 40 km) được kỳ vọng là khu dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp... Tuy nhiên dấu hiệu chuyển động 10 năm qua là rất nhỏ.

Theo thiết kế, Xuân Mai được chia làm ba phân khu, trong đó có một khu làm trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng, phục vụ khoảng 16.200 sinh viên. Thực tế, chưa một trường đại học nào "đóng đô" ở đây.

Đô thị Sơn Tây (phía Tây Bắc Hà Nội, cách trung tâm 50 km) cũng trong tình trạng quy hoạch nằm trên giấy, dù được thiết kế là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.

Có thể thấy, sau nhiều năm có chủ trương, 5 khu đô thị vệ tinh Hà với tổng diện tích gần 25.000ha vẫn chưa được hình thành rõ nét, trong khi khu vực nội đô lịch sử đã bộc lộ rõ dấu hiệu quá tải, ô nhiễm không khí nặng nề.

KTS Hoàng Long - Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội - nhận định, vấn đề liên kết giao thông trong các khu vực dự kiến phát triển đô thị vệ tinh tại Hà Nội đang rất yếu. Mật độ mạng lưới đường mới chỉ đạt từ 1-1,2km/km2, các tuyến đường hiện tại chủ yếu vẫn là đường cấp xã, thôn, quy mô mặt cắt nhỏ và chưa có tuyến đường liên kết tới các khu vực đô thị mới, dẫn tới thiếu động lực để phát triển.

Bên cạnh đó, mạng lưới vận tải công cộng cũng chưa được hoàn thiện, hiện tại chỉ có tuyến xe buýt chạy trên các trục đường chính như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, đường Thăng Long - Nội Bài, Nhật Tân - Nội Bài...

Để các đô thị vệ tinh của Hà Nội có thể hình thành và phát triển thành những đô thị mới đáng sống, KTS Hoàng Long cho rằng - trước tiên cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, vận tải nhanh, vận tải công cộng, đồng thời thu hút những nhà đầu tư có tầm để xây dựng nên những trung tâm mới, đủ sức cạnh tranh với nội đô và các đô thị lân cận, tạo dựng môi trường sống lành mạnh, chất lượng cao nhằm hấp dẫn mọi đối tượng cư dân mới của đô thị.

Theo Diễn đàn Sự thật