Thành Phong ·
1 năm trước
 7396

Quy hoạch thủ đô: Diện mạo mới sẽ ra sao?

Hà Nội sẽ có những cực tăng trưởng mới với 2 thành phố trực thuộc và 3 trục phát triển quan trọng

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 3/2022, cả hệ thống chính trị TP Hà Nội đã vào cuộc. Tháng 4/2022, UBND thành phố đã có quyết định giao Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức lập quy hoạch thủ đô. UBND thành phố cũng ban hành kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể và mốc thời gian hoàn thành đối với các phần việc, đơn vị liên quan.

Thời gian qua, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, dự án, nhiệm vụ lớn, trong đó có việc lập quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch thủ đô).

Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội. (Nguồn: Hànộimới).

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đang triển khai bài bản, công phu

Về Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong 01 năm qua, công tác tổ chức triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện khá bài bản, công phu, đảm bảo các bước theo quy trình và quy định của Luật Quy hoạch.

Hà Nội đã tổ chức học tập kinh nghiệm lập quy hoạch tại một số cơ quan, địa phương, tổ chức tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, là những người có uy tín, chuyên môn cao, đặc biệt là rất có tâm huyết đối với sự nghiệp hoạch định, tổ chức phát triển Thủ đô trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, văn hóa, tổ chức không gian; đặc biệt đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp Thành phố với chủ đề: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Đề cương định hướng quy hoạch thủ đô gồm 3 nội dung: Phạm vi quy hoạch, sự cần thiết xây dựng đề cương và định hướng cụ thể. Đáng chú ý, về quan điểm tổ chức không gian, đề cương nêu rõ quy hoạch phải bảo đảm hài hòa, hợp lý, có bản sắc của thủ đô ngàn năm văn hiến. Bên cạnh đó, mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ.

Quy hoạch thủ đô sẽ chú trọng 3 nội dung quan trọng về không gian. Trong đó, ngoài 2 thành phố trực thuộc và 3 khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng), Hà Nội còn dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng, gồm: sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị bàn sâu về: 04 nguyên tắc lập Quy hoạch; 04 tư tưởng, triết lý; 05 nhóm quan điểm phát triển Thủ đô với 20 quan điểm cụ thể, toàn diện trên các lĩnh vực; 03 phương án kịch bản phát triển và mục tiêu phát triển Thủ đô; 03 khâu đột phá (về thể chế, về phát triển hạ tầng, về nhân lực); 02 vùng động lực phát triển Thủ đô (tại khu vực Thành phố Bắc sông Hồng và tại khu vực Thành phố phía Tây); 08 phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực; 07 phương án và 06 giải pháp thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa các văn kiện quan trọng về định hướng phát triển Thủ đô, từ đó cho ý kiến về sự phù hợp, đồng bộ của Dự thảo Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô với các Chiến lược, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Khẳng định mạnh mẽ hơn vị thế Thủ đô

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng Thủ đô Hà Nội có tổng thể không gian phát triển năng động, hòa nhập, khai thác giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên, đạt hiệu quả trong sử dụng đất đai, công tác điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được thành phố Hà Nội đặt ra.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thông tin, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Viện thực hiện trên nguyên tắc dự báo dân số và định hướng điều tiết phân bố dân cư phù hợp với khả năng đáp ứng về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của quỹ đất phát triển; kế thừa mô hình, cấu trúc đô thị đã phê duyệt trên cơ sở rà soát có chọn lọc các nội dung phù hợp với tình hình hiện nay của QHC1259; bảo đảm khả thi và linh hoạt trong các giải pháp phát triển đô thị.

Theo đó, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã nghiên cứu, đặt ra một số vấn đề cần giải quyết tại định hướng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, gồm: Hạn chế tăng dân số tại khu vực nội đô, trong đó khu vực nội đô lịch sử tiếp tục giảm dân số, nội đô mở rộng không tăng thêm dân số. Bổ sung dân số cho khu vực Bắc sông Hồng, phía Đông đường Vành đai 4 để khai thác sử dụng đất hiệu quả hơn. Nghiên cứu khả năng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc (các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc) và “thị xã trong thành phố” trên cơ sở sáp nhập một số huyện.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm là khai thác trục sông Hồng làm trục xanh trung tâm, theo hướng phát triển cân đối không gian hai bên sông Hồng và nghiên cứu khả năng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ. Khu vực các huyện dự kiến thành quận giai đoạn 2021-2025 được nghiên cứu phát triển hạ tầng, gắn với đô thị xanh, bền vững dọc 2 bên trục đường Vành đai 4. Các đô thị vệ tinh được rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên.

Khẳng định việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là hết sức cần thiết, là cơ sở hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm với vị thế và vai trò, đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh ở khu vực và quốc tế...

Theo Diễn đàn Sự Thật