Ngọc Ánh ·
3 năm trước
 1743

Các doanh nghiệp chung tay bảo vệ rừng

Gần 70% diện tích rừng nguyên sinh trên thế giới bị tàn phá khiến cho tình trạng "vùng đệm tự nhiên" ngăn chặn biến đổi khí hậu nhanh chóng biến mất. Vì vậy, chung tay hành động bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn nhân loại, trong đó có các doanh nghiệp.

Bảo vệ rừng - nhiệm vụ khẩn cấp

Rừng được ví là “lá phổi xanh của Trái Đất”, cùng với các thảm thực vật và đất hấp thụ 1/3 tổng lượng ô nhiễm carbon mà con người tạo ra hàng năm. Tuy nhiên, rừng đang biến mất một cách nhanh chóng. Điều này đang tạo ra những tổn thất không thể bù đắp đối với hệ đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng trên Trái Đất.

Theo nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) công bố cho biết: Nạn phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo động, mỗi năm thế giới mất tới 13 triệu ha rừng, tương đương với diện tích của đất nước Bồ Đào Nha.

Diện tích rừng bị mất hàng năm đã làm gia tăng 6 tỉ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu thải vào khí quyển năm 2010 (theo chương trình tín dụng khí thải của Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu).

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế về Rừng, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo nếu thế giới không hành động ngay bây giờ, hậu quả của những cánh rừng biến mất sẽ không cứu vãn được. Ngay cả đại dịch Covid-19 thế giới đang phải đối mặt cũng có thể là một hệ quả từ nạn phá rừng, xáo trộn các hệ sinh thái. Bởi vậy, mọi cam kết và hành động cụ thể nhằm khôi phục và bảo tồn rừng cũng chính là gieo mầm cho một tương lai bền vững vì lợi ích của con người và hành tinh.

Tại Việt Nam, hoạt động trồng cây gây rừng vẫn luôn được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, mưa lũ, sạt lở đất... tiếp tục gia tăng cả về cường độ và tần suất. Chương trình trồng “1 tỉ cây xanh” trong 5 năm 2021-2025 đã được khởi động trên cả nước với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”. Trong đó, một trong những mục tiêu của đề án trồng 1 tỉ cây xanh là góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc và tăng độ che phủ của rừng.

Doanh nghiệp hành động bảo vệ rừng

Quỹ vì “Việt Nam xanh”

Quỹ “Việt Nam xanh” được sáng lập và điều hành bởi Chủ tịch các hiệp hội và chi hội ngành lâm sản. Cụ thể bao gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai (DOWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) , Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thanh Hóa, Chi hội dăm gỗ, Chi hội gỗ dán; dựa trên sự tham gia chung tay và đóng góp tài chính của cộng đồng các doanh nghiệp ngành lâm sản trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Thành viên Ban vận động thành lập Quỹ “Việt Nam Xanh” cho biết, mục tiêu của Quỹ là thể hiện trách nhiệm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất và thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội.

Theo đó, các mảng hoạt động ưu tiên của Quỹ bao gồm các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học. Thông qua đó, Quỹ sẽ hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.

Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ tài nguyên rừng

Việc tái tạo cũng như bảo vệ môi trường sống xanh tự nhiên giúp gia tăng hiệu quả cho du lịch Việt Nam. Một số địa điểm trước đây là điểm nóng về chặt phá rừng với quy mô lớn, nhưng trong thời gian gần đây, công tác bảo vệ rừng đã có sự chuyển biến tích cực với một phần là phát triển du lịch.

Tại các khu du lịch, vui chơi giải trí được quy hoạch một cách bài bản, quản lý vận hành chuyên nghiệp như Sun World Ba Na Hills hay Sun World Fansipan Legend với chủ đầu tư là tập đoàn Sun Group đã khiến cho việc phát triển du lịch bền vững được xem như một lời giải cho bài toán về bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên sống xanh trong lành.

Theo đó, Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) là một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng, được các nhà khoa học đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Không chỉ bảo tồn nguyên vẹn 21.000 ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn Sa Pa, Lào Cai, khu du lịch Sun World Fansipan Legend đi vào hoạt động đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cũng như phát hiện và xử lý vấn nạn khai thác rừng trái phép tại nơi sở hữu thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất Việt Nam này.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại rừng Hoàng Liên. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Không chỉ là sản phẩm du lịch độc đáo của Sa Pa, tuyến cáp treo chính là phương tiện di chuyển đắc lực cho việc ứng phó, xử lý các tình huống chữa cháy rừng trên địa bàn rừng Vườn quốc gia Hoàng Liên. Khu du lịch cũng thành lập tổ xung kích bảo vệ rừng và phối hợp cùng ban quản lý Vườn quốc gia tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng, nâng cao ý thức về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống một cách hiệu quả, kịp thời, bảo đảm an toàn cho rừng.

Phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025

Trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực trồng bù rừng thay thế các công trình thủy điện. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 19 dự án thủy điện phải thực hiện trồng bù rừng theo quy định với tổng diện tích phải trồng khoảng 12.596 ha. Việc triển khai trồng bù rừng được thực hiện theo phương thức EVN chuyển tiền về tài khoản của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh để địa phương tổ chức trồng bù. Tính đến năm 2016, EVN đã chuyển đợt 1 là 473 tỉ đồng để các địa phương triển khai trồng và chăm sóc năm thứ nhất cho 12.596,3 ha.

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, nhờ chính sách trồng bù rừng, đóng dịch vụ môi trường rừng, đã đảm bảo cho việc phát triển trên 5 triệu ha rừng trong tổng số gần 14 triệu ha rừng hiện có toàn quốc (chiếm tỉ lệ khoảng 38%).

Mới đây, tại huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây” với mục tiêu phấn đấu trồng mới và chăm sóc 100.000 cây xanh trong năm 2021 và 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, lễ phát động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công nhân viên và người lao động trong toàn EVN về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo EVN và tỉnh Lai Châu trồng cây tại Lễ phát động. (Ảnh: Toàn Thắng/VGP)

Trao đổi với báo Chính Phủ, anh Vũ Công  Nam, Phó Quản đốc phân xưởng Thủy Công, nhà máy thủy điện Lai Châu cho biết, đây là một chương trình lớn, có ý nghĩa được Ban Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện Lai Châu phát động từ sớm. Chương trình thực sự có sức lan tỏa đến lãnh đạo các đơn vị, phòng ban, phân xưởng và từng người lao động. Qua đó đã nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, công nhân viên trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh.

Nguồn