Bích Ngọc ·
30 tuần trước
 10690

Các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát có dư hơn 52.000 tỷ đồng trái phiếu

Trong năm nay, có 3 lô trái phiếu của 3 công ty liên quan Vạn Thịnh Phát sẽ đáo hạn với tổng giá trị 20.100 tỷ đồng.

Bộ Tài chính mới đây đã đưa ra báo cáo về thị trường trái phiếu riêng lẻ năm 2023 và 2024. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết đã có 24 doanh nghiệp liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát từng phát hành trái phiếu với tổng giá trị 138.200 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD) để huy động vốn. 

Tính đến cuối năm ngoái, các doanh nghiệp này đã thanh toán số nợ gốc là hơn 85.700 tỷ đồng. Như vậy, dư nợ trái phiếu còn lại của nhóm này ở mức gần 52.200 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có dư nợ lớn nhất là CTP Đầu tư An Đông với gần 25.000 tỷ đồng. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Cũng theo báo cáo của Bộ tài chính, các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát đã chậm trả hơn 17.200 tỷ đồng nợ gốc và lãi trái phiếu. Trong đó, An Đông vừa là công ty có dư nợ lớn nhất và cũng chậm trả nhiều trái phiếu nhất với tổng số tiền hơn 16.400 tỷ đồng. 

Báo cáo cũng cho thấy, trong năm nay sẽ có 3 lô trái phiếu của 3 công ty liên quan Vạn Thịnh Phát sẽ đáo hạn với tổng giá trị 20.100 tỷ đồng. Được biết, trong đó có hơn 16.000 nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ 57,7%. Phần lớn các doanh nghiệp này chưa thể thực hiện thanh toán gốc cho các trái chủ. Tuy vậy, theo Bộ Tài chính, đến hết năm 2023 đã có 1 doanh nghiệp thanh toán 3.500 tỷ đồng nợ gốc. 

Bộ Công an cũng đã thông báo tìm người bị hại liên quan tới mã trái phiếu ADC-2019.01 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông. Mã trái phiếu này sẽ đáo hạn trong năm 2024 nhưng việc thanh toán phụ thuộc vào tiến độ điều tra mở rộng vụ án và khả năng thu hồi tài sản của các doanh nghiệp bị khởi tố trong vụ án. 

Theo Bộ Tài chính, sau vụ việc Ngân hàng SCB và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị mất niềm tin và thanh khoản. Không ít nhà đầu tư bán tháo trái phiếu hoặc yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn. 

Bên cạnh đó, trong năm 2023, 5 doanh nghiệp kiểm toán báo cáo tài chính cho các đơn vị liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã được kiểm tra, bao gồm: Hãng kiểm toán và định giá ATC, Công ty TNHH Kế toán và kiểm toán Phương Nam, Kiểm toán CPA, Kiểm toán I.T.O và Hoàng Gia Việt Nam.

Bộ Tài chính cho hay, cơ quan này đã đình chỉ hành nghề kiểm toán từ 12-36 tháng và nhắc nhở các kiểm toán viên có chất lượng không đạt yêu cầu theo quy định của chuẩn mực nghề nghiệp. Doanh nghiệp có kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán không đạt yêu cầu cũng bị đình chỉ từ 3-6 tháng; hoặc không chấp thuận cho cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính cho các đơn vị có lợi ích công chúng, gồm phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong năm 2023-2024.

Trong 3 tháng đầu năm nay nay, so với cùng kỳ năm ngoái phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm khoảng 50%, trong khi áp lực huy động vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn tăng lên. Trừ đi số lượng trái phiếu mua lại trước hạn quý I/2024, trong 3 quý còn lại, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lên đến hơn 211.000 tỷ đồng (theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu). Áp lực đáo hạn trái phiếu đang đè nặng khiến nhiều doanh nghiệp phát hành buộc phải giãn, hoãn nợ, thay đổi điều khoản trả nợ trái phiếu.

Trong quý I năm 2024, phát hành trái phiếu ảm đạm dù môi trường lãi suất thấp là do thiếu cơ chế huy động sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức, trong khi cơ sở nhà đầu tư cá nhân bị thu hẹp do tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế) từ đầu năm nay.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7693613904031632/?