Huyền My ·
1 năm trước
 3594

Các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới kêu gọi các nước loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

Hiện nay, các quỹ đầu tư quốc tế kêu gọi các nước mở rộng hệ thống năng lượng phát thải carbon thấp, thực hiện các cơ chế định giá carbon tăng theo thời gian; thiết lập các kế hoạch chấm dứt nạn phá rừng.

Vừa qua, một nhóm quỹ đầu tư quốc tế quản lý khối tài sản 39.000 tỷ USD đã kêu gọi chính phủ các nước nâng cao mục tiêu tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bao gồm đặt ra kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng tái tạo dựa trên khoa học.

Thế giới cần phải cắt giảm đáng kể sản lượng nhiên liệu hóa thạch để tiến tới mức phát thải ròng bằng không. (Ảnh minh họa)

Trong Tuyên bố năm 2022 gửi chính phủ các nước về khủng hoảng khí hậu, các quỹ đầu tư cho biết đang triển khai hành động bởi điều này không chỉ được pháp luật cho phép, mà trong nhiều trường hợp là cần thiết để đảm bảo khả năng tạo ra lợi nhuận trong dài hạn, cũng như để hưởng lợi từ các cơ hội liên quan đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế có lượng phát thải ròng bằng 0.

Các yêu cầu khác của các quỹ đầu tư bao gồm mở rộng hệ thống năng lượng phát thải carbon thấp; thực hiện các cơ chế định giá carbon tăng theo thời gian; thiết lập các kế hoạch mới hoặc tham vọng hơn để chấm dứt nạn phá rừng.

Hiện tại, đã có tổng cộng 532 quỹ đầu tư đã ký vào tuyên bố này, trong đó có UBS Asset Management, Amundi SA và Federated Hermes.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trước thềm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào tháng 11 tới tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.

Trước đó một ngày, khoảng 200 tổ chức và hơn 1.400 chuyên gia y tế cũng ký vào bức thư kêu gọi chính phủ các nước đối thoại và đàm phán để đạt được hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc về loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch - điều mà họ nhấn mạnh là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người".

Các tổ chức và chuyên gia y tế trên cho rằng việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ ngăn chặn 3,6 triệu ca tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch, được cho là nguyên nhân khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm.

Biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, vốn không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người mà thậm chí còn vượt xa những ảnh hưởng ban đầu của thiên tai, bao gồm khói bụi từ các vụ cháy rừng và dịch bệnh lây lan sau lũ lụt.

"Cái giá khủng khiếp phải trả" khi phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch

Trong một nội dung đăng tải trên mạng xã hội, ông Guterres- Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: "Pakistan và các quốc gia đang phát triển khác đang phải trả một cái giá khủng khiếp cho sự bất chấp của các nước phát thải lớn tiếp tục trông chờ vào nhiên liệu hóa thạch".

Người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nước phát thải lớn ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang đầu tư vào năng lượng tái tạo để "chấm dứt chiến tranh với thiên nhiên".

Ông Guterres hy vọng chuyến thăm Pakistan của ông sẽ huy động được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Pakistan bởi nước này cần ít nhất 10 tỷ USD để sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại do lũ lụt.

 Pakistan vừa hứng chịu đợt lũ lụt chưa từng có trong lịch sử, nhấn chìm tới hơn 30% lãnh thổ nước này, làm gần 1.400 người thiệt mạng, ảnh hưởng tới khoảng 33 triệu người, phá hủy 2 triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh, cuốn trôi 7.000 km đường bộ và làm sập 500 cây cầu.

Theo Văn phòng Khí tượng Pakistan, lượng mưa trong năm nay ở nước này cao gấp 5 lần so với mức thông thường hằng năm.

Pakistan là nước có lượng phát thải thấp, chiếm chưa tới 1% lượng phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, theo tổ chức môi trường Germanwatch (Đức), nước này xếp thứ 8 trong danh sách những nước dễ bị tổn thương nhất trước thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.