Theo đó, lễ cúng tất niên là nghi thức tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, đây là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong năm, chính vì thế cần có sự chuẩn bị cẩn thận, chỉn chu và trang trọng.
Được biết, cúng tất niên có thể cúng vào 30 tháng Chạp nếu là năm đủ và 29 tháng Chạp nếu là năm thiếu. Lễ cúng thường được diễn ra vào buổi trưa hoặc chiều tối.
Mâm cỗ tất niên sẽ tùy điều kiện gia đình, quan trọng nhất là tấm lòng thành kính đến các bậc tổ tiên. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Trong hai từ “tất niên”, “tất” có nghĩa là hết, là hoàn thành, kết thúc. Tất niên, là bữa cơm, lễ cúng để hoàn tất, kết thúc một năm qua đi. Do đó, mâm cơm cúng, cơm gia đình này phải diễn ra vào thời điểm bữa cơm cuối cùng, thời điểm cuối cùng kết thúc một năm.
Ngày 30 tháng Chạp (tức 9/2/2024 dương lịch), tức ngày Quý Mão, tháng Ất Sửu, năm Quý Mão. Giờ đẹp ngày 30 Tết: Nhâm Tý (23h-1h), Giáp Dần (3h-5h): Thanh Long, Ất Mão (5h-7h), Mậu Ngọ (11h-13h), Kỷ Mùi (13h-15h), Tân Dậu (17h-19h)
Về cơ bản, cúng tất niên có ý nghĩa là đón ông Táo, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng con cháu, thể hiện sự sum họp, đoàn kết, ấm cúng của gia đình. Nên cúng vào ngày cuối cùng trong năm để đúng với phong tục từ xưa nay cha ông truyền lại.
Về thủ tục làm lễ cúng tất niên cầu tài lộc, bình an không quá phức tạp. Mâm cỗ tất niên sẽ tùy điều kiện gia đình, các mâm cỗ thường không phải những thứ cao sang, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính đến các bậc tổ tiên.
Mâm cúng cũng có thể là mâm cơm hàng ngày, có thể sang trọng hơn chút và phải là những thứ con người ăn được. Theo quan niệm của các chuyên gia phong thủy, ta ăn được gì sẽ kính dâng lên tổ tiên cái đó. Việc cúng vàng mã sẽ mang ý nghĩa khác.
Với người miền Bắc, trong mâm cỗ cúng tất niên luôn phải đầy đủ; 4 bát, 4 đĩa (mâm cỗ nhỏ); 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa với mâm cỗ lớn. Cũng có nhà chuẩn bị mâm cỗ lớn xếp cao từ 2 đến 3 tầng.
Ở Miền Trung, các gia đình cũng bận rộn chuẩn bị sắm sửa làm cơm cúng tất niên. Thường trong mâm cỗ Tết miền Trung không yêu cầu số lượng 4-4, 6-6 hay 8-8 bát đĩa như ngoài miền Bắc, nhưng cũng có các món đặc sản không thể thiếu như: Giò lụa, thịt gà, thịt lợn, măng khô, miến xào.
Trong khi đó, trong mâm cỗ tất niên của người miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, chả giò, nem, gỏi tôm thịt… Bên cạnh đó, người Nam thường ưu tiên những món nguội. Trong đó, các món ăn không thể thiếu như: Bánh tét, củ cải ngâm nước mắm, canh măng, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, thịt lợn luộc, đĩa dưa giá, đĩa nem, đĩa chả giò và củ kiệu... để cúng ông bà tổ tiên.
Cũng như các lễ cúng khác trong năm, cúng tất niên dù không cần phải quá trang trọng nhưng gia chủ cần phải lưu ý một số điều sau:
- Dù không cần phải quá cầu kỳ, trang trọng nhưng cũng không thể chuẩn bị sơ sài. Tùy vào điều kiện gia đình mà gia chủ có thể chuẩn bị mâm cúng ít hay nhiều nhưng ít nhất cũng phải có những món ăn truyền thống ngày Tết và được chuẩn bị, bày biện một cách chu đáo, sạch sẽ.
- Để lễ cúng tất niên thành kính trang nghiêm, các gia đình trước khi làm lễ cần dọn dẹp bàn thờ, nhà cửa cho thật sạch sẽ.
- Tất niên là bữa cơm sum vầy của gia đình do đó cần phải có đầy đủ các thành viên trong nhà để thể hiện sự sum họp, ấm cúng.
- Tất niên chính là thời điểm các gia đình sum vầy, đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả, đặc biệt là những gia đình có con cái đi làm ăn xa nhà. Do đó không nên cãi nhau, chửi mắng mà nên nói những chuyện vui và những điều tốt lành.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7395265133866512/?