Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1461

Cần Thơ: Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững

Nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp, TP. Cần Thơ đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nhất là trồng lúa theo hướng hữu cơ để tăng chất lượng, năng xuất và bảo vệ môi trường.

Tín hiệu khả quan

Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ tổ chức hội thảo đầu bờ “Mô hình kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến theo hướng hữu cơ” tại HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu, ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch phát triển vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ năm 2022 của TP.Cần Thơ.

Trong vụ lúa thu đông 2022, HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu được Chi cục Trồng trọt và BVTV TP. Cần Thơ chọn thực hiện mô hình thí điểm với diện tích 10ha, giống được sản xuất OM 5451, mật độ sạ 100kg/ha. Ưu điểm của ruộng mô hình giảm gần 50% lượng giống gieo sạ so với canh tác truyền thống. Qua đó cho thấy năng suất ruộng mô hình luôn cao hơn ruộng đối chứng từ 600 - 650 kg/ha.

Điều này chứng minh sạ thưa đã giúp cây lúa tiếp nhận đầy đủ ánh sáng, dinh dưỡng, lúa cứng cây, đẻ nhánh mạnh, đảm bảo số chồi hữu hiệu, số bông/m2, tỷ lệ hạt chắc cao so với ruộng đối chứng sạ mật độ dày. Song song đó, ruộng sạ dày sẽ tạo điều kiện cho ẩm độ vi khí hậu tăng cao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho dịch hại phát sinh và phát triển.

Mô hình kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến theo hướng hữu cơ tại HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu đã giảm hơn 40% chi phí so với canh tác truyền thống

 

Mô hình sử dụng phân hữu cơ chỉ khác nhau về chi phí đầu tư phân bón là 11,6 triệu đồng/ha và ruộng đối chứng 7,7 triệu đồng/ha. Do chi phí đầu tư phân hữu cơ cao 6 triệu đồng/ha. Mô hình sử dụng đã giảm 38,9% N và 30% P2O5 so với khuyến cáo bón NPK 90-40-30, tiết kiệm 670.000 đồng/ha. Ngược lại, chi phí đầu tư thuốc BVTV của mô hình sử dụng phân hữu cơ là 1,5 triệu đồng/ha và đối chứng 3 triệu đồng/ha cao hơn mô hình 1,5 triệu đồng/ha.

Theo ông Dương Ðình Vũ, Giám đốc HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu: “Việc giảm sử dụng phân thuốc hóa học đã góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người sử dụng sản phẩm và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái đồng ruộng và môi trường. Nông dân còn bán được lúa với giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg, với giá bán lúa tươi đạt từ 5.400-5.500 đồng/kg”.

Cũng về vấn đề này, ông Dương Ðình Thủy, xã viên HTX dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu cho biết, gia đình ông sản xuất 2,5ha lúa và có 1ha được ngành Nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ lúa giống cùng phân bón hữu cơ để tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Hiện lúa đã bước vào giai đoạn chín chuẩn bị thu hoạch, bông lúa có màu sắc sáng đẹp và trĩu hạt, dự báo sẽ có năng suất tốt. Làm lúa theo hướng hữu cơ không chỉ góp phần giảm được các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường mà còn cho hạt gạo an toàn, chất lượng.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ cho biết, việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ đã chứng minh từ mô hình thực tế thấy hiệu quả luôn cao hơn so với canh tác sử dụng phân thuốc hóa học. Tuy nhiên trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ cần đánh giá thêm sự cải thiện về đất đai, tăng cường chất mùn giúp đất trồng tơi xốp giữ ẩm tốt, cải thiện độ PH, tăng cường dinh dưỡng cho đất, giúp các vi sinh vật trong đất hoạt động tốt, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái ruộng lúa.

Đồng thời, cho thấy áp dụng phân hữu cơ giảm phân hóa học nhưng năng suất vẫn được duy trì và ổn định, chất lượng hạt gạo được an toàn. Phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Từ thành công của những mô hình canh tác lúa hữu cơ nói trên, trong thời gian tới Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.Cần Thơ sẽ nhân rộng mô hình này ra để người dân áp dụng làm theo.

Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Cần Thơ cùng ngành Nông nghiệp các quận, huyện trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn kỹ thuật và tạo điều kiện cho nông dân tham quan các mô hình thực tế về sản xuất theo hướng hữu cơ.

Cụ thể, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Cần Thơ, để phát triển vùng canh tác hữu cơ tại TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch 114/KH-UBND thành phố, Chi cục đang tích cực phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về nông nghiệp hữu cơ và hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình trình diễn để làm điểm nhân rộng. Ðối với cây lúa, năm nay dự kiến tổ chức 14 lớp tập huấn và 14 mô hình trình diễn tại các quận, huyện. Tính đến tháng 9-2022, TP Cần Thơ đã xuống giống gieo trồng 3 vụ lúa đạt diện tích 216.385ha, với sản lượng lúa cả năm nay ước đạt hơn 1,3 triệu tấn.

Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ góp phần giảm được các tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường mà còn cho hạt gạo an toàn, chất lượng

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.Cần Thơ cho biết: “Bên cạnh tăng cường các hoạt động tập huấn kỹ thuật, Chi cục cũng quan tâm hỗ trợ và thúc đẩy nông dân trong liên kết hợp tác với nhau và với các đơn vị, doanh nghiệp để phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Hướng dẫn nông dân tận dụng tốt các nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, đặc biệt hướng dẫn kỹ thuật để nông dân có thể ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ lại cho cây lúa”.

Về vấn đề này, theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Cần Thơ, sản xuất hữu cơ là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất và gắn sản xuất với bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng, cũng như thúc đẩy phát triển tích hợp đa giá trị trong nông nghiệp. Vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển du lịch sinh thái, sản phẩm OCOP...

Ngoài ra, trong định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, ngành Nông nghiệp thành phố cũng đang tham mưu cấp thẩm quyền thành phố đưa vào quy hoạch tích hợp, thúc đẩy phát triển, xây dựng được khoảng 4.000ha đất sản xuất lúa hữu cơ và 1.300ha đất trồng cây ăn trái hữu cơ.