Cụ thể, trong thời điểm từ 11-12h trưa, tại TP.HCM, TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và TP.Cần Thơ có chỉ số tia cực tím ở mức cảnh báo là 10, cao nhất trên cả nước. Các tỉnh, thành phố còn lại có chỉ số ở mức rất cao, như: TP.Hà Nội ở mức 8, TP.Hải Phòng ở mức 8.3, TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) ở mức 9.5, TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) ở mức 9.6, TP.Đà Nẵng ở mức 9.7, TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) ở mức 9.7.
Chỉ số tia cực tím (UV) là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Chỉ số tia cực tím từ 7,5 - 10,4 có nguy cơ gây hại rất cao, có khả năng gây bỏng cho da nếu tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút. Khi chỉ số tia cực tím ở mức từ 9-10, người dân cần hạn chế ra ngoài trời vào thời điểm ban trưa, nên ở dưới bóng mát lúc này việc đeo kính râm, đội mũ là bắt buộc. |
Theo các chuyên gia cho biết, việc tiếp xúc quá lâu với tia UV sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Người tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch.
Các nhà khoa học cho rằng việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Vì vậy để phòng tránh tác hại của tia UV, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng, như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối màu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai.
Đặc biệt, người dân nên tránh tiếp xúc với nắng quá 15 phút, và chú ý cẩn thận hơn trong khung giờ bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.
Ảnh minh họa.
Dự báo chỉ số UV cực đại tiềm năng trong 3 ngày tiếp theo (từ 5-7/5), với các tỉnh, thành phố miền Bắc, phổ biến đều có nguy cơ gây hại rất cao, ngoại trừ Hà Nội (ngày 50-07/05) và Hải Phòng (ngày 06/05) có nguy cơ gây hại cao. Với các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam, chỉ số UV cực đại tiềm năng trong 3 ngày tới đều có nguy cơ gây hại rất cao, riêng Cà Mau (ngày 06/05) và Nha Trang, Cần Thơ (ngày 07/05) có nguy cơ gây hại cao.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 4/5, chỉ số nhiệt cực đại (HI - Heat Index) tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), TP.HCM có giá trị 32-41, thuộc mức đặc biệt cẩn trọng. Đặc biệt, chỉ số nhiệt cực đại tại TP.Hà Nội có mức 41-54 là nguy hiểm. Người dân có khả năng bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu tiếp xúc với nắng nóng hoặc hoạt động thể chất kéo dài.
Trả lời báo chí, Bác sỹ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tia UV trong ánh nắng mặt trời là nhân tố chính tấn công và gây tổn thương đến làn da như gây lão hóa da, làm tổn thương tế bào trên các lớp da, gây khô da, tăng sắc tố, bỏng da, làm hư hại lớp đệm là sợi collagen. Tia tử ngoại UV có thể làm tổn thương ADN, dần dần sinh ung thư da.
Bác sỹ này nói thêm, thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày là từ 10 giờ - 14 giờ. Vì thế, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm ánh nắng sẽ gây nguy hiểm nhất cho làn da. Ở các khu vực biển, mặt nước sẽ bức xạ ánh sáng mặt trời nên chỉ số UV sẽ cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Những người có tiền sử ung thư da thì làn da sẽ nhạy cảm với tia UV hơn nên cần cảnh giác và có biện pháp phòng hộ kỹ lưỡng hơn so với khuyến nghị chung. Khi bị cháy nắng tuyệt đối không được chủ quan, mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá mức độ và có biện pháp điều trị kịp thời.
Trả lời trên báo Nhân Dân, Bác sỹ Nguyễn Tiến Thành, Phó Trưởng khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, để giảm tác hại của tia UV, chúng ta nên sử dụng khẩu trang dầy vì theo các nghiên cứu, nếu bảo vệ làn da bằng khẩu trang dầy, đúng quy cách sẽ ngăn được phần lớn tia UV. Bên cạnh đó, khi sử dụng kem chống nắng, người dân cũng cần biết một số cách để dùng kem chống nắng một cách hiệu quả, ngăn tác hại của ánh nắng lên da. |