Từ đầu tháng 3 tới cuối tháng 4, nhiệt độ mặt nước biển trung bình trên toàn cầu đã tăng gần 0,2 độ C theo dữ liệu từ Maine’s Climate Reanalyzer - một công cụ được các nhà khoa học về khí hậu tin tưởng sử dụng.
Con số này không phải là quá lớn. Tuy nhiên đối với mức trung bình của các đại dương trên thế giới — chiếm tới 71% diện tích Trái Đất — nhiệt độ dâng lên quá nhiều trong thời gian ngắn như vậy, “là một con số khổng lồ”, nhà khoa học khí hậu Kris Karnauskas của Đại học Colorado, Mỹ nhận định.
Ông Karnauskas đã tiến hành so sánh các dị thường nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu trong vài tuần qua để trừ đi các dị thường nhiệt độ trung bình từ đầu năm để xem nơi có sự nóng lên đột ngột cao nhất. Ông nhận thấy một dải dài xuyên qua đường xích đạo từ Nam Mỹ đến Châu Phi, bao gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, chịu trách nhiệm cho phần lớn sự tăng vọt nhiệt độ toàn cầu.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: AP
Ông cho biết khu vực này có nhiệt độ tăng tới 0,4 độ C chỉ trong 10 tới 14, ngày và ông nhận định đây là một điều rất bất thường. Nhiệt độ tăng lên đặc biệt cao ngoài khơi bờ biển Peru và Ecuador, nơi trước những năm 1980 là điểm bắt đầu của El Nino.
Theo ông Karnauskas, nguyên nhân một phần là do El Nino đang hình thành tại các khu vực này và các nhà khoa học có thể xác nhận trong vài tháng tới khi nó đang dần mạnh lên. Tuy nhiên, diễn biến tại khu vực ở Ấn Độ Dương lại có chút khác biệt và có thể là một sự gia tăng độc lập ngẫu nhiên hoặc bằng cách nào đó có liên quan đến hiện tượng El Nino lớn hơn.
El Nino là sự nóng lên tự nhiên của các vùng xích đạo Thái Bình Dương làm thay đổi thời tiết trên toàn thế giới và làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Cho đến tháng trước, thế giới đang ở trong tình trạng trái ngược với hiện tượng này là La Nina. La Nina đã diễn ra mạnh và kéo dài bất thường tới 3 năm, gây ra thời tiết khắc nghiệt.
Các nhà khoa học khí hậu đã bàn luận về sự nóng lên này trên mạng xã hội. Nhà hải dương học Gregory C. Johnson của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cũng cho rằng nguyên nhân không chỉ là El Nino. Ông cho biết có một số đợt tăng nhiệt độ trên biển hoặc các điểm nóng lên của đại dương không phù hợp với mô hình El Nino. Ví dụ như tại phía bắc Thái Bình Dương gần Alaska và ngoài khơi Tây Ban Nha.
Nhà khoa học khí hậu Gabe Vecchi của Đại học Princeton, Mỹ cũng đồng ý với nhận định trên khi cho rằng đây là một hiện tượng bất thường và là một ‘sự kiện cực đoan ở quy mô toàn cầu” tại những khu vực không phù hợp với mô hình của El Nino. Ông nhận định đây là dấu hiệu lớn và các nhà khoa học sẽ cần nỗ lực để thấu hiểu nó.
Tuy nhiên ngược lại, một số nhà khoa học như ông Michael Mann của Đại học Pennsylvania, Mỹ đã bác bỏ những lo ngại của việc nhiệt độ nước biển tăng đột ngột. Theo ông, đây chỉ là hiện tượng El Nino bên cạnh sự gia tăng nhiệt độ ổn định do con người gây ra.
Dù nguyên nhân là gì, nhà hải dương học Sarah Purkey từ Viện Hải dương học Scripps tại Mỹ nhận định tác động của nó sẽ rất sâu sắc. Hiện tượng El Nino xảy ra lần cuối cách đây 7 năm và thế giới đã ấm hơn nhiều kể từ đó, đặc biệt là ở đại dương sâu - nơi hấp thụ phần lớn năng lượng nhiệt từ khí nhà kính. Hàm lượng nhiệt đại dương dùng để đo lường năng lượng được lưu trữ bởi đại dương sâu đều đạt mức cao kỷ lục mới mỗi năm bất kể điều gì đang xảy ra trên bề mặt.
Kể từ lần El Nino cuối cùng đó, hàm lượng nhiệt đại dương toàn cầu đã tăng 0,04 độ C - một khối lượng năng lượng khổng lồ theo bà Purkey nói. Số năng lượng này tương đương với năng lượng của hàng trăm triệu quả bom nguyên tử có kích thước đã san bằng thành phố Hiroshima.
Trả lời hãng tin AP, ông Mike McPhaden, nhà hải dương học từ NOAA cho biết: “La Nina tạm thời kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đã được giải phóng”. Kết quả chính là tháng 3/2023 ghi nhận kỷ lục là tháng 3 thứ 2 trong lịch sử có nhiệt độ bề mặt trung bình trên toàn cầu cao như vậy.
Trong bối cảnh đó, ông đưa ra dự đoán nếu El Nino xuất hiện vào cuối năm nay, những gì chúng ta đang thấy bây giờ chỉ là khúc dạo đầu cho nhiều kỷ lục nhiệt.