Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 28/7/2023, đã có 73/85 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp với tổng công suất 3.969,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 61 dự án (tổng công suất 3.369,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 59/61 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.
Có 17 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 859,52MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 27/7/2023 đạt khoảng 180,3 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
21 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 30 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Tình hình thực hiện thủ tục 85 dự án NLTT chuyển tiếp.
Hiện vẫn còn 12 dự án với tổng công suất 764,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong cơ cấu năng lượng hiện nay, nhiệt điện than đóng góp tỷ trọng lớn nhất 39,1%, thứ hai là nguồn thủy điện chiếm 35,4% và thứ ba là nhiệt điện khí chiếm 11%, các nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió và sinh khối) chiếm 12,9%.
Trong thời gian tới, các nguồn năng lượng sơ cấp thuỷ điện, than đá, dầu khí đang dần cạn kiệt trong khi nhu cầu năng lượng của Việt Nam tiếp tục tăng. Theo cam kết giảm phát thải CO2 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam, Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 phát triển 30.127 MW điện than nhưng hiện nay đã có tới hơn 26.000 MW vào vận hành. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời.
Thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII cũng như đảm bảo cung ứng và cấp điện cho miền Bắc trong thời gian tới, tránh tình trạng thiếu điện như vừa xảy ra tại miền Bắc, cơ quan quản lý cần tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại, sớm đưa các dự án năng lượng trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vào vận hành.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, có kế hoạch chi tiết cho phân bổ quy mô các nguồn năng lượng tái tạo từ vùng tới các tỉnh, sớm lựa chọn được chủ đầu tư các dự án quan trọng, cần thiết có chế độ giám sát nghiêm ngặt không để xảy ra tình trạng dự án chậm nhiều năm.
Ngoài ra, vốn đầu tư cho các công trình điện là lớn, cần thiết huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước theo nhiều cách như xem xét bảo lãnh Chính phủ với một số dự án ưu tiên, quan trọng; điều chỉnh các cơ chế nhằm tránh rủi ro cho các nhà đầu tư BOT đã và đang đàm phán hợp đồng; tạo điều kiện để nhà đầu tư tư nhân tham gia lưới truyền tải tại những khu vực không ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện…
Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, thời gian đầu tư xây dựng từ 6 - 8 năm. Nếu không sớm chọn được dự án và chủ đầu tư sẽ rất khó thực hiện được quy mô điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 6.000 MW. Do vậy, cần có cơ chế đấu thầu để đầu tư các dự án này, chọn các nhà thầu có đủ năng lực về vốn - tài chính, đội ngũ kỹ thuật, dẫn tới giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6682498991809800/