Cụ thể, đến nay, có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 59 dự án (tổng công suất 3.211,41MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 58/59 dự án.
20 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Hiện vẫn còn 15 dự án với tổng công suất 882,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Tình hình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp của 85 dự án đến ngày 30/6/2023.
Cũng theo số liệu của EVN, sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 29/6/2023 đạt khoảng 74,6 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Trong một diễn biến khác, EVN vừa có văn bản đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn cách xử lý với các dự án năng lượng tái tạo chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu của cấp có thẩm quyền tại thời điểm COD.
Liên quan đến nội dung về kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng các nhà máy điện gió, điện mặt trời, trong số 146 nhà máy điện gió và 147 nhà máy điện mặt trời nối lưới đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN có 85 dự án điện gió và 144 dự án điện mặt trời đã được công nhận vận hành thương mại và đưa vào vận hành toàn bộ/một phần nhà máy.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại còn 6 dự án/một phần dự án điện gió và 18 dự án/một phần dự án điện mặt trời chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; 125 dự án/phần dự án (gồm 27 dự án điện gió và 98 dự án điện mặt trời) tại thời điểm công nhận ngày vận hành thương mại vẫn chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Về tình hình cung ứng điện tại miền Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong những ngày gần đây, mực nước các hồ thuỷ điện đã được nâng lên, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sự chia sẻ, phối hợp của lãnh đạo các tỉnh, thành phố, tình hình cung ứng điện đã được cải thiện.
“Từ ngày 23/6/2023 hệ thống điện miền Bắc sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện”, thông báo của EVN nêu rõ, đồng thời lưu ý thêm “tuy nhiên, do hệ thống nguồn điện miền Bắc không có công suất dự phòng nên thời gian tới vẫn có thể xảy ra tình huống cực đoan dẫn đến phải điều chỉnh phụ tải, tiết giảm điện”.
Nhận định về tình hình cung ứng điện, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, trong các ngày vừa qua, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc đã được cải thiện, mực nước hiện tại của các hồ Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Bản Chát đều đã tích được cao hơn mực nước chết từ 4 đến 7m, riêng Lai Châu có hồ chứa nhỏ nên mực nước hồ cao hơn mực nước chết xấp xỉ 15 m. Hiện tại, các hồ chứa này vẫn đang hạn chế huy động để dự phòng cho đợt nắng nóng tiếp theo.
Hiện tại, miền Bắc đang trong thời kỳ lũ sớm, dự kiến trong thời gian tới lưu lượng nước về các hồ miền Bắc tiếp tục tăng và có thể đảm bảo cung cấp điện với phụ tải tính toán trung bình khoảng 421 triệu kWh/ngày, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay. Ông Hòa cũng thông tin thêm, trong trường hợp cực đoan không có lũ về, khu vực miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước còn lại trong hồ kết hợp với lưu lượng nước tự nhiên về các hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải, tuy nhiên khả năng tích nước sẽ khó khăn.
Theo Tạ Nhị/ Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6592762620783438/