Chất lượng không khí tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên ở mức nguy hiểm
Sáng 9/1, ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) cho thấy, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên ở mức nguy hiểm, mức cao nhất trên thang bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI trên 300).
Vào thời điểm hơn 8 giờ, điểm đo tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, cho chỉ số AQI ở mức 406, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 382.7; điểm đo tại Khu đô thị TimesCity, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho chỉ số AQI ở mức 338, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 312.9; điểm đo tại xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cho chỉ số AQI ở mức 330, chỉ số bụi mịn PM 2.5 là 277.5.
Chất lượng không khí tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên ở mức nguy hiểm trong sáng nay (9/1).
Đây là mức chỉ số chất lượng không khí nguy hại, ngay cả người khỏe mạnh cũng nên ở trong nhà, đóng các cửa ra vào và cửa sổ, nếu buộc phải ra ngoài cần đeo khẩu trang đạt chuẩn.
Ngoài ra, hàng chục điểm đo trên cả nước cho chất lượng không khí ở mức rất có hại cho sức khỏe (AQI từ 201-300). Khu vực Bắc Bộ có nhiều điểm đo ở mức này nhất với 19 điểm, Trung Bộ có 3 điểm.
Trên cả nước, chất lượng không khí ở mức kém được ghi nhận tại nhiều điểm đo, tập trung chủ yếu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Tại Nam Bộ, các điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở mức kém tập trung chủ yếu ở TP.HCM với 7 điểm; tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 1 điểm; tại tỉnh Long An ghi nhận 1 điểm.
Với chất lượng không khí ở mức kém, những người nhạy cảm sẽ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân cần thường xuyên cập nhật chất lượng không khí tại các website của Tổng cục Môi trường, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường của thành phố Hà Nội hoặc qua ứng dụng PAM Air để biết chất lượng không khí từng thời điểm.
Miền Bắc đón đợt không khí lạnh tăng cường, xuất hiện mưa rải rác
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tuần này, Bắc Bộ có thể mưa rét, Trung Trung Bộ mưa rào và dông.
Từ đêm 10/1 đến ngày 11/1, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa nhỏ rải rác, hình thái thời tiết rét về đêm và sáng sớm có thể duy trì trong các ngày từ 11 đến 14/1. Sang ngày 15/1, khu vực này khả năng đón đợt không khí lạnh tăng cường, trời chuyển mưa rét, có nơi mưa rào và có thể đón những cơn dông bất chợt. Đến ngày 16 - 17/1, Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông, trời lạnh.
Cũng theo cơ quan khí tượng, trong tháng 1/2023, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Trong đó, Đông Bắc Bộ cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, các khu vực khác phổ biến thấp hơn khoảng 0,5 độ C.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, trong tháng 1/2023, khả năng không khí lạnh hoạt động có cường độ yếu hơn so với trung bình, tuy nhiên rét đậm, rét hại vẫn có thể xảy ra và tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Ngoài ra, rãnh áp thấp xích đạo vẫn có khả năng gây mưa trái mùa tại các tỉnh phía Nam, đồng thời vẫn còn nguy cơ xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía Nam Biển Đông.
Tổng lượng mưa tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong tháng 1/2023 thấp hơn từ 5 - 20mm so với trung bình nhiều năm, các khu vực còn lại cao hơn khoảng 10 - 30mm, trong đó, Trung Trung Bộ cao hơn từ 30 - 60mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Bờ sông Hồng tiếp tục sạt lở, Hà Nội ban hành lệnh khẩn
UBND TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp sự cố lún, sụt, sạt lở bờ hữu sông Hồng trên địa bàn phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) và ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình để ngăn chặn tình trạng này.
Theo đó, bờ hữu sông Hồng, đoạn tương ứng từ K67+300 đến K67+870 đê hữu Hồng, thuộc phường Chương Dương trong phạm vi 500m, xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, dốc đứng. Sạt lở đã gây lún nền, nứt tường, nghiêng công trình nhà dân.
Theo UBND TP, sạt lở có xu hướng tiếp tục phát triển, nguy cơ đe dọa trực tiếp tới an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 30 hộ dân sinh sống sát bờ sông.
Công bố tình huống khẩn cấp sự cố lún, sụt, sạt lở bờ hữu sông Hồng trên địa bàn phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).
Trước tình trạng trên, thành phố yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm vận động, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân trong tình huống thiên tai.
Đồng thời, địa phương phải cảnh báo, giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.
Đơn vị chức năng được yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công trình công cộng và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng theo phương châm 4 tại chỗ; kiểm tra, phát hiện, đánh giá và xử lý sự cố công trình phòng chống thiên tai.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến và tiến độ khắc phục sự cố. Đồng thời, Sở cũng được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở, giữ ổn định bờ sông; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Pakistan tìm kiếm nguồn lực tài chính lớn để phục hồi bền vững sau lũ
Lãnh đạo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Pakistan phục hồi sau trận lũ lụt lịch sử năm ngoái và tăng khả năng ứng phó với các vấn đề khí hậu, trong bối cảnh quốc gia này có nguy cơ tụt hậu nghiêm trọng nếu không được hỗ trợ để phục hồi kịp thời.
Đến nay, tình hình lũ lụt tại Pakistan vẫn diễn biến phức tạp. Một số khu vực xung yếu vẫn chìm trong nước lũ.
Chính quyền Pakistan đã sơ tán người dân đến các khu vực an toàn, nhưng thiệt hại do lũ lụt gây ra ước tính có thể lên tới 30 tỷ USD.
Tổng Giám đốc UNDP, ông Achim Steiner, nhấn mạnh trận lũ đã tàn phá nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế, cũng như hệ thống thông tin liên lạc, mùa màng, nhà cửa và đường sá ở nhiều vùng của Pakistan.
Theo ông Steiner, những cú sốc to lớn mà Pakistan đang phải đối mặt "đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải tăng cường hợp tác" để hỗ trợ nước này phục hồi.
Nếu không, Pakistan sẽ vẫn bị "mắc kẹt trong tình trạng không thể phục hồi, và trong nhiều năm, có thể trong nhiều thập niên nước này sẽ tụt hậu so với tiềm năng thực sự".
Ông nhấn mạnh việc hỗ trợ đất nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu như Pakistan tái thiết bền vững là cách duy nhất để hạn chế những thiệt hại, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.
Nhằm huy động nguồn tài trợ trong bối cảnh quốc gia Nam Á này phải nỗ lực tái thiết đất nước sau khi các trận lũ lụt nghiêm trọng, Pakistan và Liên hợp quốc sẽ đồng tổ chức hội nghị quốc tế vào ngày 9/1 tại Geneva (Thụy Sĩ) để tìm kiếm nguồn tài chính và hỗ trợ khác cho quá trình phục hồi lâu dài và kế hoạch nâng cao sức chống chịu trong dài hạn.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres schủ trì cuộc họp này, trong đó bao gồm các bài phát biểu của một số nguyên thủ quốc gia và chính phủ.
Liên hợp quốc cho biết Pakistan cần hơn 16 tỷ USD để phục hồi sau các trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái cũng như ứng phó tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu.
Trận lũ lụt hồi tháng 6/2022 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 33 triệu người, phá hủy 1,7 triệu ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của gần 1.400 người.
Hàng triệu người phải sơ tán và đến nay vẫn chưa thể quay trở về nhà, trong khi nước lũ chưa rút dẫn đến nguy cơ lây lan hàng loạt dịch bệnh. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng vọt và theo số liệu của Liên hợp quốc, số người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực đã tăng gấp đôi lên 14,6 triệu người.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính 9 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng của lũ lụt tại Pakistan.
Pakistan, quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới, chỉ chiếm 0,8% lượng phát thải toàn cầu nhưng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước thời tiết khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu.
Peru tiếp tục phạt hãng Repsol vì sự cố tràn dầu
Cơ quan Ðánh giá và Giám sát môi trường Peru (OEFA) thông báo phạt hãng năng lượng Repsol của Tây Ban Nha thêm gần 5,7 triệu USD liên quan sự cố tràn dầu năm 2022, gây ô nhiễm các bãi biển và ảnh hưởng cuộc sống của hàng nghìn người dân Peru.
OEFA nêu rõ, Repsol bị phạt thêm do không cung cấp thông tin theo yêu cầu về thiệt hại môi trường do sự cố tràn dầu.
Trước đó, Chính phủ Peru đã phạt Repsol 10,7 triệu USD vào tháng 10/2022 và 1,25 triệu USD vào tháng 7/2022 với hàng loạt vi phạm như cung cấp thông tin sai lệch, không ứng phó hiệu quả trong việc dọn sạch dầu trên biển và không xác định những khu vực chịu ảnh hưởng của sự cố tràn dầu.
Công nhân dọn dẹp bãi biển gần nhà máy lọc dầu La Pampilla của Repsol sau sự cố tràn dầu gần đây gây ra thảm họa sinh thái trên bờ biển Lima, ở Ventanilla, Peru ngày 29/1/2022.
Tháng 1/2022, một tàu chở dầu đang dỡ hàng tại nhà máy lọc dầu La Pampilla của Repsol, cách thủ đô Lima 30km về phía bắc, đã gặp sóng lớn bất thường phát sinh từ thảm họa núi lửa phun trào ở Tonga cách đó khoảng 10.000km. Gần 12.000 thùng dầu đã đổ tràn ra biển, buộc Peru phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về môi trường. Sự cố tràn dầu đã khiến 20 bãi biển phải đóng cửa, ảnh hưởng ngành du lịch và cuộc sống của hơn 700.000 người dân. Ít nhất 5.000 ngư dân và chủ cửa hàng đã mất đi nguồn sinh kế.
Repsol và năm công ty khác hiện đối mặt các vụ kiện dân sự tại Peru đòi bồi thường 4,5 tỷ USD cho những thiệt hại về môi trường và dân sinh. Trong khi đó, Repsol khẳng định, nhà máy lọc dầu La Pampilla đã ký thỏa thuận bồi thường với hơn 3.200 hộ gia đình và cá nhân chịu ảnh hưởng do vụ tràn dầu.