Thông tư 18/2023/TT-BTC ngày 21/3/2023 của Bộ Tài chính quy định thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ NSNN bảo đảm hoạt động của lực lượng xử phạt VPHC có hiệu lực từ ngày 5/5/2023.
Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)
Tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này đã bổ sung trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính so với quy định hiện hành.
Theo đó, không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp: Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.
Về lãi chậm nộp phạt vi phạm hành chính, khoản 1 Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách Nhà nước.
Về cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt, Thông tư 18/2023/TT-BTC nêu rõ, trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày nhận quyết định xử phạt.
Trường hợp quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày (gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm thi hành quyết định xử phạt tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày.
Với các trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt…
Về quy trình, thủ tục thu, nộp, tại Điều 4 của Thông tư 18 hướng dẫn, việc thu tiền phạt phải căn cứ vào quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định. Khi nộp trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, hoặc ngân hàng thương mại… cá nhân, tổ chức phải xuất trình quyết định xử phạt, nộp đúng số tiền và thời hạn trong quyết định xử phạt.
Trường hợp chuyển khoản thì thông tin phải bao gồm nội dung nộp phạt, số quyết định và ngày quyết định xử phạt, tên cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Người thu tiền phạt trực tiếp phải lập bảng kê theo mẫu và nộp toàn bộ vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Người bị xử phạt phải xuất trình hoặc gửi chứng từ thu, nộp để nhận lại các giấy tờ tạm giữ.
Về cách tính và thực hiện bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch được quy định như sau:
Cách tính số tiền nộp phạt chênh lệch: Số tiền nộp phạt chênh lệch phát sinh trong trường hợp có quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành quyết định mới trong xử phạt vi phạm hành chính được tính như sau: Số tiền nộp phạt chênh lệch = A - B
Trong đó: A là số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền; B là số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp theo quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới của cấp có thẩm quyền.
Xử lý số tiền nộp phạt chênh lệch: Trường hợp số tiền nộp phạt tại quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới lớn hơn số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp vào ngân sách nhà nước (B>A) thì cá nhân, tổ chức vi phạm nộp số tiền phạt còn thiếu theo thủ tục nộp tiền vào ngân sách nhà nước quy định tại Điều 4 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.
Trường hợp số tiền nộp phạt tại quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới nhỏ hơn số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp vào ngân sách nhà nước (B<A) thì cá nhân, tổ chức vi phạm được hoàn trả số tiền phạt nộp thừa. Nguồn hoàn trả và thủ tục hoàn trả được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư này.
Việc bù trừ số tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp hoặc tiền phạt người nộp thuế còn nợ trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 132 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được sửa đổi, bổ sung theo khoản 65 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (sau đây gọi là Thông tư số 38/2015/TT-BTC).
Việc bù trừ số tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế còn nợ, tiền chậm nộp còn nợ, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phát sinh phải nộp của lần tiếp theo trong lĩnh vực thuế thực hiện theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (sau đây gọi là Thông tư số 80/2021/TT-BTC).