Bích Ngọc ·
26 tuần trước
 9883

Chất lượng môi trường nước, đất, không khí được Chính phủ đánh giá ra sao?

Mới đây, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2023 trên phạm vi cả nước.

Đánh giá về môi trường không khí, trong năm 2023, ô nhiễm không khí ở nước ta vẫn xảy ra vào một số thời điểm trong năm, tập trung tại các đô thị lớn (Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh,...) nơi có mật độ giao thông cao và quá trình công nghiệp phát triển mạnh. Ô nhiễm phần lớn vẫn là do thông số bụi, nhất là bụi mịn PM2.5 và có biểu hiện mùa rõ rệt, điển hình vào các tháng mùa đông ở miền Bắc và có xu hướng tăng so với trung bình năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ở khu vực nông thôn, miền núi, chất lượng môi trường không khí khá sạch. Tuy vậy, có một số khu vực nông thôn bị ảnh hưởng bởi các hoạt động làng nghề, hoạt động tiểu thủ công nghiệp, khai thác khoáng sản, chất lượng môi trường không khí có dấu hiệu bị ô nhiễm cục bộ.

So với cùng kỳ năm 2022C, các thông số khác trong không khí như NO2, O3, CO, SO2 đa phần giá trị thấp, ít biến động hơn và đa phần đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT – QCVN về chất lượng không khí.

Đối với môi trường nước, theo báo cáo đánh giá, chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông (LVS) lớn như LVS Hồng - Thái Bình, LVS Mã – Chu (miền Bắc); LVS Cả - La, LVS Hương, LVS Vu Gia - Thu Bồn (miền Trung) và LVS Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Tiền (miền Nam) khá tốt, giá trị trung bình năm của các thông số tại một số vị trí quan trắc ít biến động qua các năm và không có nhiều biến động bất thường so với năm 2022, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

Tuy vậy, tại khu vực trung và hạ lưu, đặc biệt là đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, có hoạt động nuôi trồng thủy sản hoặc có tàu thuyền qua lại, chất lượng nước sông bị suy giảm. Trong đó điển hình có thể kể đến như khu vực trạm thủy văn Hội Khách, điểm từ cầu Đỏ đến cầu Thuận Phước (sông Vu Gia), cầu Bà Rén, chợ bến cá Cẩm Hòa (sông Thu Bồn),...

Báo cáo cũng nhìn nhận tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên các sông, nhánh sông thuộc LVS Nhuệ - Đáy và LVS Cầu; hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; điểm từ cầu Ông Buông đến Cầu An Lộc trên sông Sài Gòn ô nhiễm vẫn diễn ra và chưa được kiểm soát triệt để. 

Điểm ô nhiễm trên sông Nhuệ, đoạn qua Tp. Hà Nội và các sông nội thành Hà Nội (Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét,…), giá trị trung bình năm của các thông số (COD, BOD5) và (NH4+, NO2-) tại một số điểm quan trắc liên tục từ năm 2019 đến 2023 đều vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (loại B1) và QCVN 08:2023/BTNMT (mức C) – QCVN về chất lượng nước mặt.

Được biết, nguyên nhân là do tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt của Tp. Hà Nội qua sông Tô Lịch và nước thải của các làng nghề.

Đoạn sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh - Bắc Giang, sông Ngũ Huyện Khê thì tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để. Báo cáo cho thấy nguyên nhân do tiếp nhận nước thải của Tp. Thái Nguyên, Tp. Sông Công, các cơ sở sản xuất và làng nghề dọc sông Cầu, trong đó chủ yếu loại hình sản xuất giấy. Đoạn sông từ cầu Ông Buông đến cầu An Lộc trên sông Sài Gòn ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng gia tăng; trong đó, tại cầu Ông Buông, các thông số N-NH4+, BOD5 cao gấp 2,4 và 4 lần so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1.

Nước sông tại hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải tiếp tục ô nhiễm, chưa cải thiện nhiều so với năm 2022 làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của 04 tỉnh/thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Theo kết quả quan trắc của địa phương, tại các vị trí quan trắc có một hoặc nhiều thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh… vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1 và QCVN 08:2023/BTNMT (mức C).

Bên cạnh đó, tiếp tục ghi nhận ô nhiễm cục bộ tại các ao, hồ có mặt nước kín hoặc trên các kênh mương nội đồng do tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất của làng nghề, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,...

Môi trường nước biển ven bờ ở một số thời điểm trong năm, đặc biệt là tại vị trí các điểm quan trắc gần cửa sông ven biển, nước biển đục, hàm lượng TSS và Amoni vượt giới hạn cho phép của QCVN 10:2023/BTNMT – QCVN về chất lượng nước biển.

Về môi trường đất, theo báo cáo cho thấy chất lượng môi trường đất nông nghiệp năm 2023 nhìn chung khá tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Tuy vậy, chất lượng môi trường đất tại một số khu vực hoạt động công nghiệp, chuyên canh nông nghiệp, làng nghề có dấu hiệu bị suy giảm cục bộ do ảnh hưởng của chất thải sản xuất và việc sử dụng không hợp lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đối với các vùng đất chuyên canh nông nghiệp cũng ghi nhận hàm lượng hữu cơ trong đất bị suy giảm, rõ nhất trên cơ cấu chuyên canh rau, hoa, cây ăn quả, cây cảnh, một số vùng đất nông nghiệp đang dần bị chua hóa.

Theo báo cáo đánh giá, tình trạng thoái hóa đất, sạt lở đất ở khu vực miền núi, bờ sông, ven biển; mặn hóa đất trồng trọt có xu hướng gia tăng cả về số lượng, mức độ và quy mô, ảnh hưởng đến sự an toàn và hoạt động sản xuất của người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do lạm dụng phân hóa học, canh tác liên tục một loại cây trồng, thiếu biện pháp để cải tạo đất hợp lý và bởi các yếu tố về thời tiết.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7825696167490071