Vỏ thanh long sau khi thu hoạch sẽ được cắt nhỏ và sấy khô trong 36h ở mức nhiệt 60 độ C, sau đó tách chiết để thu triệt để lượng pectin. Cứ 30g vỏ thanh long được thêm vào hỗn hợp axit clohydric với nồng độ 0,1M trong 250ml nước cất, hỗn hợp này được khuấy liên tục trong 30 phút với mức nhiệt 70 độ C. Sản phẩm thu được là hợp chất pectin dạng khô với hiệu suất 18%, cao hơn lượng pectin tối đa thu được ở vỏ táo, cam chỉ khoảng 12%.
"Pectin mà nhóm tách chiết có màu hồng nhạt và hơi vàng, chứa đầy đủ cấu tạo thành phần hóa học và chất xơ có lợi", TS Trang nói và cho biết, hợp chất này sau đó được trộn với nước cất và bảo quản trong tủ lạnh tiếp tục công đoạn tạo màng dẻo.
Để chuyển pectin từ dạng rắn thành dạng dẻo, yếu tố quan trọng nhất trong quá trình này là tìm ra một chất có khả năng hóa dẻo. Sau khi thử một số hợp chất khác, nhóm phát hiện chất poly ethylene glycol, khi kết hợp với pectin theo tỷ lệ 1:5, giúp tạo màng sinh học có tính ổn định, trong suốt, độ dẻo và dày vừa phải.
Thành phẩm sau cùng là vật liệu pectin không thấm nước, không bị ô xi hóa nhanh, có khả năng phân hủy tới 62,5% sau 7 ngày chôn trong môi trường đất.
Được biết, sau thời gian làm nghiên cứu sinh từ Nhật Bản trở về và nhận thấy vỏ thanh long chứa lượng pectin lớn nhưng ít được ứng dụng, TS Cẩm Trang đã tìm cách tận dụng phụ phẩm này để tạo màng bọc thực phẩm được làm từ nguyên liệu thiên nhiên này.