Minh Anh ·
28 tuần trước
 8300

Chi tiết tuyến đường cao tốc nghìn tỉ nối Đại lộ Thăng Long

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có tổng mức đầu tư là 5.249,3 tỷ đồng, sử dụng ngân sách TP. Hà Nội và ngân sách trung ương hỗ trợ.

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình là danh mục công trình trọng điểm, cần ưu tiên đầu tư của TP. Với chiều dài khoảng 6,7km, điểm đầu tuyến nằm tại Km0+358,31, kết nối với nút giao hoa thị Đại lộ Thăng Long - Quốc lộ 21, thuộc địa bàn xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất. Điểm cuối kết nối với cao tốc Hà Nội - Hòa Bình tại vị trí giao với đường Làng Văn Hóa, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

Đoạn tuyến được xây dựng với quy mô mặt cắt ngang từ 120 - 180m, mỗi bên 6 làn xe. Đường được đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục: Nền mặt đường, nút giao, thoát nước, hệ thống hào kỹ thuật ngang đường, chiếu sáng, cây xanh, hè vỉa và tổ chức giao thông. Trên tuyến còn có 4 công trình cầu vượt sông, vượt đường ngang và 5 hầm. Trong đó, có một hầm chui trực thông dọc tuyến chính phục vụ thành phần đường cao tốc cùng bốn hầm chui dân sinh ngang đường.

UBND TP Hà Nội đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư là 5.249,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, tập trung thực hiện dự án trong giai đoạn từ năm 2022 - 2026.

Giai đoạn trước mắt sẽ tập trung đầu tư xử lý 4 nút giao thông chính trên tuyến. Đặc biệt, nút giao cuối tuyến sẽ được cải tạo theo hướng: Tuyến cao tốc chính kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; phần đường song hành kết nối với hướng đi Sơn Tây, bố trí vị trí ra từ cao tốc vào đường song hành và phải chui dưới cầu vượt chính tuyến.

Tuyến đường khi xây dựng hoàn thành sẽ giúp thông suốt tuyến cao tốc từ Đại lộ Thăng Long đi Hòa Bình theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc.

Ảnh minh họa. (Ảnh:Zing)

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình được chia làm 3 gói thầu chính.

Cụ thể, gói thầu số 31 Lập thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng tuyến đường đoạn từ Km1+680 đến Km3+360 (không gồm phần trồng cây xanh dải phân cách giữa, cây bóng mát trên vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, tín hiệu giao thông, đường dây và trạm biến áp). Gói thầu số 31 có giá 541,05 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh là 24 tháng. Thời điểm đóng/mở thầu là 22/9/2023.

Gói thầu số 32 Lập thiết kế BVTC và thi công xây dựng tuyến đường đoạn từ Km0+000 đến Km1+680 và từ Km3+360 đến Km6+700 (không gồm phần trồng cây xanh dải phân cách giữa, cây bóng mát trên vỉa hè, hệ thống chiếu sáng, tín hiệu giao thông, đường dây và trạm biến áp; và sơn kẻ vạch an toàn giao thông toàn tuyến) 1.262,892 tỷ đồng có thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu là trong quý III/2023.

Gói thầu số 33 Lập thiết kế BVTC và thi công xây dựng trồng cây xanh dải phân cách giữa, cây bóng mát trên vỉa hè (không bao gồm phần trồng cỏ mái ta luy), hệ thống chiếu sáng, tín hiệu giao thông, đường dây và trạm biến áp toàn tuyến 143,31 tỷ đồng có thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý IV/2025.

Đồng bộ đường cao tốc cho cửa ngõ phía Tây Hà Nội

Đại lộ Thăng Long là tuyến cao tốc trục chính kết nối từ Vành đai 3 đến Quốc lộ 21. Sau nhiều năm được đưa vào khai thác, tuyến đường này đã khẳng định được vai trò huyết mạch đối với cửa ngõ phía Tây Hà Nội.

Bên cạnh đó, cao tốc Hà Nội - Hòa Bình cũng là một trong những hướng chính kết nối Thủ đô với các tỉnh vùng núi phía Bắc. Tuy nhiên, giữa Đại lộ Thăng Long và cao tốc này còn có 6,7km đường cũ, xấu, hạn chế tốc độ lưu thông tối đa dưới 60km/giờ.

Nhiều năm qua, đoạn tuyến từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình được coi là khoảng hẫng trên trục giao thông lớn nhất cửa ngõ phía Tây và Tây Nam Thủ đô. Hơn nữa, khu vực đầu cao tốc Hà Nội - Hòa Bình còn phải tổ chức giao thông cho 3 hướng đi Tản Lĩnh, Ba Vì; Đại lộ Thăng Long và Hòa Bình theo kiểu đường tránh vòng cung, gây không ít khó khăn, tiềm ẩn rủi ro cho các phương tiện lưu thông qua đây.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Dương Đức Tuấn nhận định, việc đầu tư tuyến đường Đại lộ Thăng Long kéo dài từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình nhằm từng bước đồng bộ năng lực lưu thông, phát triển mở rộng Thủ đô về phía Tây và Tây Nam, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực này là rất cần thiết. Tuyến đường sẽ không chỉ cải thiện điều kiện khai thác, đảm bảo ATGT, mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh - quốc phòng; là động lực để phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây.

Thực vậy, tuyến Đại lộ Thăng Long kéo dài đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình chỉ khoảng 6,7km nhưng có một vị trí chiến lược, tầm ảnh hưởng to lớn đến nhiều lĩnh vực của Hà Nội. Khi đồng bộ hai tuyến cao tốc, năng lực vận tải hàng hóa, hành khách từ Hà Nội đi vùng núi phía Bắc và ngược lại sẽ được tăng cường mạnh mẽ. Đây cũng là trục chính đi qua hoặc kết nối tới những khu vực có tiềm năng du lịch rất lớn như: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai...

Hiện, tuyến đường Tản Lĩnh - Yên Bài đã được đầu tư xây dựng, nhưng đoạn tuyến từ cuối Đại lộ Thăng Long đến nút giao với cao tốc Hà Nội - Hòa Bình lại có chất lượng thấp, ảnh hưởng tới khả năng thu hút du lịch, thông thương kinh tế của hai huyện Ba Vì, Thạch Thất.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, bắt đầu từ điểm cắt với Quốc lộ 21, trục đường lên đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình có rất nhiều những điểm đến quan trọng như: Đại học Quốc gia, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, hàng loạt khu du lịch sinh thái.

Bởi vậy việc đầu tư đoạn tuyến Đại lộ Thăng Long kéo dài này có ý nghĩa rất quan trọng. Không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nó còn là điều kiện cơ bản để di dời trường học, cơ sở đông người ra khỏi nội đô Hà Nội.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6936032076456489/