Phan Hoa ·
2 năm trước
 656

Chìa khóa lịch sử Mặt trăng qua mẫu vật lấy về từ tàu vũ trụ Trung Quốc

Đây là mẫu vật Mặt trăng đầu tiên được đưa về Trái đất kể từ sứ mệnh Apollo của NASA và sứ mệnh Luna của Liên Xô năm 1976.

Mẫu đá Mặt trăng mới sau hơn 4 thập kỷ

Tàu vũ trụ Trung Quốc mang đất và đá Mặt trăng về Trái đất vào tháng 12 năm ngoái, đánh dấu sứ mệnh đầu tiên của nhân loại trong 4 thập kỷ để thu thập mẫu vật Mặt trăng. Đây là mẫu vật Mặt trăng đầu tiên được đưa về Trái đất kể từ sứ mệnh Apollo của NASA và sứ mệnh Luna của Liên Xô năm 1976.

Mẫu vật Mặt trăng trong lô này hiện đã được phân tích. Các mẫu vật cho thấy chúng chứa đựng nhiều câu trả lời quan trọng cho các câu hỏi về Mặt trăng trước đây, đồng thời cũng đặt ra thêm những câu hỏi mới, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc công bố ngày 19.10 trên tạp chí Nature.

 đá Mặt trăng

Mẫu đá bazan do tàu vũ trụ Thường Nga của Trung Quốc mang từ Mặt trăng trở về Trái đất. Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc

Các nhà khoa học nhận thấy mẫu vật bao gồm đá bazan có từ 2,03 tỉ năm trước, Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) nêu trong thông cáo. Đá bazan là loại đá được tạo ra từ dòng dung nham đông đặc. Loại đá này được cho là nơi lưu giữ bằng chứng về thời điểm hoạt động núi lửa xảy ra trên bề mặt Mặt trăng.

Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi biết rằng các mẫu trẻ hơn 800 đến 900 triệu năm so với các mẫu vật Mặt trăng mà Apollo và Luna mang về. Các mẫu vật Mặt trăng trước đây do Mỹ và Liên Xô mang trở về Trái đất cho thấy bằng chứng về hoạt động núi lửa của Mặt trăng gần nhất cách đây 2,8 tỉ năm.

Sứ mệnh Thường Nga 5 (Chang'e-5) - được đặt theo tên của nữ thần mặt trăng trong thần thoại - đã thu thập 2kg mẫu từ khu vực chưa được khám phá của Mặt trăng mang tên Mons Ruemker ở Oceanus Procellarum hay "Đại dương bão". Khu vực này được các nhà khoa học cho là hình thành gần đây hơn, dựa trên mật độ các miệng va chạm do thiên thạch gây ra trên bề mặt.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã sử dụng phương pháp định tuổi bằng đồng vị phóng xạ trên 47 mảnh đá bazan - mảnh lớn nhất, có độ dày bằng "10 trang giấy xếp chồng lên nhau" và nhỏ nhất chỉ bằng kích thước hạt bụi.

Nhà nghiên cứu Li Chunlai của Đài quan sát thiên văn quốc gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc nhấn mạnh: "Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng kết luận đầu tiên rằng hoạt động magma trên Mặt trăng vẫn tồn tại cho đến ít nhất 2 tỉ năm trước".

 đá Mặt trăng

Tàu vũ trụ Trung Quốc thu thập mẫu vật từ Mặt trăng

Những bí ẩn mới về lịch sử Mặt trăng

Các mẫu vật Mặt trăng mới cũng mang tới những bí ẩn mới. Các mẫu đá Mặt trăng do Apollo và Luna mang về có chứa KREEP - hỗn hợp kali, các nguyên tố đất hiếm và phốt pho. Tuy nhiên, mẫu do tàu vũ trụ Thường Nga 5 mang về lại là dạng magma khác.

"Theo lý thuyết trước đây, các thành phần giống KREEP sẽ cung cấp nhiệt để duy trì tuổi thọ của magma trẻ. Tuy nhiên, nếu điều này không xảy ra - như những kết quả mới chỉ ra - chúng ta nên suy nghĩ lại về cơ chế kéo dài tuổi thọ của hoạt động magma mặt trăng trẻ hơn" - nhà nghiên cứu Li Chunlai nói.

Phát hiện mới nhất cũng đặt ra câu hỏi mới cho các nhà khoa học đang nỗ lực giải mã lịch sử Mặt trăng. Theo các nhà khoa học, khám phá mới về mẫu vật mang từ Mặt trăng về Trái đất đã thay đổi cách họ nhận định về "tiến hóa nhiệt và hóa học" của Mặt trăng. Nhóm có kế hoạch tiếp tục phân tích các mẫu và hy vọng sẽ làm sáng tỏ cách thức và lý do hoạt động núi lửa Mặt trăng thay đổi giữa các mẫu Apollo và Luna với các mẫu Thường Nga 5. Giáo sư hành tinh học Audrey Bouvier, Đại học Bayreuth của Đức, chia sẻ trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 19.10 rằng: “Nhìn chung, những kết quả đó vô cùng thú vị, cung cấp những kết quả và khoa học đáng kinh ngạc về việc tìm hiểu sự hình thành và tiến hóa của Mặt trăng theo thời gian".

 đá Mặt trăng

Thường Nga là sứ mệnh đầu tiên đưa mẫu vật từ Mặt trăng trở về Trái đất sau hơn 4 thập kỷ. Ảnh: AFP

Các mẫu vật từ sứ mệnh Thường Nga 5 đánh dấu một bước quan trọng trong chương trình vũ trụ Trung Quốc. Trung Quốc đã đưa một tàu thám hiểm lên sao Hỏa và hạ cánh một tàu vũ trụ khác ở nửa tối của Mặt trăng.

Trung Quốc, đang chạy đua để bắt kịp Mỹ và Nga, trong cuộc đua chinh phục vũ trụ. Bắc Kinh đã cử 3 phi hành gia tới trạm vũ trụ đang xây dựng vào cuối tuần qua để thực hiện sứ mệnh xây dựng tiền đồn quỹ đạo của Trung Quốc dự kiến đi vào hoạt động năm 2022.