Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng, các doanh doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực khai thác, chế biến. Đối với các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, Chính phủ hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác.
Chính phủ xác định rõ mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, quy hoạch bô xít là khoáng sản tỉnh Đắk Nông nói riêng, một số tỉnh Tây Nguyên đặc biệt quan tâm.
Quy hoạch khai thác bô xít tối đa lên tới 118 triệu tấn/năm.
Chính phủ xác định từ 2021 - 2030, việc thăm dò, khai thác bô xít phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu đến sản phẩm alumin). Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý đến phương án thải và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả.
Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để tái chế bùn đỏ. Các dự án sản xuất nhôm mới bằng công nghệ điện phân phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Việc thăm dò, khai thác khoáng sản bô xít, sản xuất alumin, nhôm kim loại được Chính phủ xác định phải đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, bảo đảm về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Mục tiêu là bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn bàn sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên.
Đối với các mỏ bô xít khu vực Tây Nguyên (gần khu đông dân cư), xem xét thăm dò và cấp phép khai thác sớm để thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.